Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu...
Ảnh minh họa.
Nhận định về cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới mới đây, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tâm điểm thị trường vốn sẽ hướng về các cuộc họp “quyết định lãi suất” của các NHTW lớn bao gồm BoC, ECB, BoJ, FED, và BoE trong tháng 6.
VDSC kỳ vọng BoC, ECB, và BoE sẽ thực hiện lần cắt giảm lãi suất điều hành đầu tiên sau 2 năm. Trong khi đó FED vẫn giữ nguyên lãi suất hiện tại. Điều này hàm ý khả năng USD gây áp lực lên nhiều đồng tiền khác trong ngắn hạn do sự chênh lệch lãi suất.
Trong kịch bản đó, áp lực lên tỷ giá tiền Đồng sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt vào những thời điểm trước ngày họp quyết định lãi suất. Tuy nhiên, đồng USD khó giữ áp lực này được lâu vì dư địa cắt lãi suất của Mỹ là rất lớn. Cơ sở cho nhận định này đến từ lạm phát hạ nhiệt trở lại trong báo cáo mới đây và dự kiến sẽ đẩy nhanh hơn do hiệu ứng “lạm phát đuổi kịp”; lạm phát do yếu tố cầu kéo đang về lại ngưỡng trung bình trong giai đoạn trước đây cho thấy tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kìm hãm lạm phát là có hiệu quả và đang đạt ngưỡng giới hạn.
Nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc mạnh khi tăng trưởng GDP có điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ (SAAR) giảm từ 3,4% (quý 4,2023) về mức 1,3% trong quý 1/2024. Không loại trừ khả năng FED thay đổi lập trường sớm hơn kì vọng của thị trường hiện tại để tránh bỏ lại phía sau “đường cong” và qua đó giúp nền kinh tế hạ cánh mềm.
Trong đoạn cuối con đường ứng phó với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để neo giữ bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá, và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây, đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi FED thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.
Đối với thị trường chứng khoán, khi mùa kết quả kinh doanh quý 2 vẫn chưa sôi động, những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước vẫn là những nhân tố xúc tác chính trên thị trường chứng khoán.
Ở khía cạnh này, dữ liệu vĩ mô Việt Nam mới đây ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý 2 khả quan; Về thị trường tiền tệ, mặc dù áp lực tỷ giá liên tục mạnh trong thời gian gần đây và Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt để giảm áp lực cho tỷ giá, kỳ vọng lãi suất điều hành và lãi suất trong nền kinh tế sẽ chưa có biến động bất thường.
BoC, ECB, và BoE sẽ lần lượt thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 2 năm, trong khi đó FED vẫn giữ nguyên lãi suất hiện tại nhưng thông điệp đưa ra sẽ “Bồ Câu” hơn dựa trên những dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và việc làm mới đây, và cuối cùng Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu.
Nếu được thông qua trong tháng 6, sự tích cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản chiếm 14% vốn hóa rổ VN-Index có thể tác động tích cực đến thị trường.
Về điểm số, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 trong tháng Sáu. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây. Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá mạnh hơn có thể khiến Ngân hàng Nhà nước khó giữ được định hướng mặt bằng lãi suất hiện tại và gián tiếp tác động tiêu cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như điểm số của thị trường.
Thu Minh-Link gốc