Tám mỏ đất hiếm ở các quốc gia như Tanzania, Angola, Malawi, Nam Phi và Uganda dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2029 và đóng góp 9% nguồn cung toàn cầu.
Đất hiếm chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các mỏ đất hiếm ở châu Phi có thể chiếm gần 1/10 lượng đất hiếm trên thế giới trong năm năm tới so với con số 0% hiện nay, đưa khu vực này có thể trở thành đối thủ mới trên thị trường mà Trung Quốc đang thống trị.
Theo báo cáo do công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence mới công bố, tám mỏ ở các quốc gia như Tanzania, Angola, Malawi, Nam Phi và Uganda dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2029 và đóng góp 9% nguồn cung toàn cầu.
Công ty cho biết, phần lớn nguồn cung cấp mới vẫn có thể được đảm bảo bởi các công ty chế biến phương Tây và không phải Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đang khai thác khoảng 70% đất hiếm trên thế giới và tinh chế hầu hết các vật liệu này - gồm 17 nguyên tố tạo ra nam châm được sử dụng trong xe điện, tuabin gió và thiết bị quân sự. Vào tháng 12/2023, quốc gia châu Á này đã cấm bán ra nước ngoài một loạt các công nghệ đất hiếm.
Mỹ và các đồng minh đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc. Trong khi 37% nguồn cung cấp tương lai của châu Phi đã được định sẵn sẽ được vận chuyển đến người mua Trung Quốc, thì châu Âu đang nỗ lực phát triển nhiều cơ sở chế biến nhất bên ngoài Trung Quốc.
Benchmark Mineral Intelligence cho rằng Trung Quốc sẽ không còn là bên hưởng lợi duy nhất từ chi phí thấp trong hoạt động tại châu Phi, mà sẽ phải cạnh tranh thêm với châu Âu và Mỹ./.