Biểu tượng của TikTok tại một văn phòng ở Culver, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một nghiên cứu thường niên được công bố ngày 16/7 cho hay TikTok, ứng dụng video ngắn của tập đoàn công nghệ ByteDance (Trung Quốc), đang trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á, một thị trường từ lâu do các nền tảng ở ASEAN như Shoppee và Lazada của Alibaba chiếm lĩnh.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop đã tăng tổng khối lượng hàng hóa (GMV) gần gấp 4 lần, từ 4,4 tỷ USD vào năm 2022 lên 16,3 tỷ USD vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các đối thủ trong khu vực.
Báo cáo cho biết kết hợp với Tokopedia của Indonesia mà TikTok chiếm phần lớn cổ phần vào năm ngoái, TikTok Shop đã vượt Lazada trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực ASEAN, với thị phần ước tính 28,4% tính đến năm ngoái.
Báo cáo cho biết tổng GMV trong quy mô thương mại điện tử của khu vực ASEAN đạt 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với một năm trước đó.
Shopee vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 48% thị phần, tiếp theo là Lazada với 16,4%, TikTok Shop và Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.
Giám đốc điều hành Momentum Works, Jianggan Li, cho biết TikTok Shop đã trở thành một nền tảng rất phù hợp ở Đông Nam Á, với cam kết đầu tư hàng tỷ USD.
Ông Li nói TikTok Shop kết hợp với Tokopedia rất có thể trở thành nền tảng thương mại điện tử số 1 ở Indonesia trong năm nay.
Kể từ khi ra mắt nền tảng thương mại điện tử vào năm 2021, TikTok đã thực hiện một đợt tuyển dụng ở Đông Nam Á, nơi những công ty khu vực đã giảm số lượng nhân viên để có lợi nhuận.
Momentum Works cho biết đến năm 2023, TikTok đã tăng gấp bốn lần số nhân viên lên hơn 8.000 người, ngang với Lazada.
Đặc biệt, TikTok đã phát triển thương mại điện tử bằng cách khai thác tính năng phát trực tiếp, nơi những người có ảnh hưởng và người bán giới thiệu từ sản phẩm làm đẹp, thời trang đến đồ gia dụng, cho phép người dùng mua hàng trong thời gian thực.
Shopee, vốn đang cắt giảm chi phí để có lãi, đã bắt đầu nỗ lực để bảo vệ thị phần trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với TikTok.
Vào tháng Tám tới, công ty mẹ của Shopee là Sea cho biết họ sẽ tăng cường đầu tư vào khả năng phát trực tiếp và hậu cần.
Thế nhưng, TikTok, vốn đang bị giám sát chặt chẽ ở Mỹ và châu Âu, cũng phải đối mặt với những thất bại ở Đông Nam Á.
Tại Indonesia, TikTok Shop buộc phải ngừng dịch vụ sau khi chính phủ nước này cấm giao dịch trực tuyến trên mạng xã hội.
Chỉ vài tháng sau, TikTok cho biết họ sẽ đầu tư hơn 1,5 tỷ USD và mua 75% cổ phần của Tokopedia, công ty thương mại điện tử hàng đầu thuộc tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia, để khởi động lại hoạt động mua sắm trực tuyến tại nước này.
TikTok và Tokopedia đã phát triển để nắm giữ 39% thị phần tại Indonesia, chỉ sau Shopee với 40%./.