Hành khách tại sân bay Stuttgart ở Leinfelden-Echterdingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 18/7, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết các hãng hàng không dự báo tổng lượng hành khách trong hai thập niên tới sẽ tăng gấp đôi từ mức 4,3 tỷ lượt người vào năm ngoái.
Dẫn đầu sự tăng trưởng là các thị trường mới nổi như châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, IATA dự báo rằng số lượng hành khách sẽ tăng trung bình 3,6% mỗi năm cho đến năm 2043. Riêng trong năm nay, mức tăng trưởng dự báo đạt 9,7%.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng trung bình 4,8%, chủ yếu được thúc đẩy nhờ mức tăng trưởng khả quan ở các quốc gia như Ấn Độ (6,9%), Trung Quốc (5,8%), Thái Lan và Việt Nam (mỗi nước tăng 6,4%).
Tăng trưởng hành khách ở châu Phi và Trung Đông dự báo tăng 3,6%, trong khi Mỹ Latinh và Caribe dự báo tăng 2,9%. Mức tăng trưởng ở các thị trường chính của Bắc Mỹ và châu Âu tăng trưởng lần lượt 1,7% và 2%.
Mức gia tăng dự kiến về lưu lượng hành khách có thể sẽ gây thêm áp lực cho các hãng hàng không trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nỗ lực hướng tới cam kết trung hòa khí thải đến năm 2050.
Hiện tại, vận tải hàng không chiếm chưa đến 3% lượng khí thải CO2 toàn cầu, nhưng thường bị chỉ trích vì phục vụ cho một bộ phận nhỏ dân số thế giới.
Các hãng hàng không chủ yếu dựa vào việc tăng sản lượng nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, dự kiến sẽ đóng góp 65% vào mục tiêu "không phát thải" của ngành hàng không vào năm 2050.
Tuy nhiên, những thách thức về công nghệ trong việc sản xuất nhiên liệu bền vững quy mô lớn có thể đòi hỏi phải có những khoản đầu tư lớn.
Hiện nhiên liệu hàng không bền vững chỉ đáp ứng 0,53% lượng nhiên liệu tiêu thụ của các hãng hàng không./.