ANA vừa công bố chiến lược tăng cường thêm các chuyến bay đến châu Âu từ 5 tuyến lên 9 tuyến, tương đương mức tăng 30% năng lực vận chuyển hành khách từ quốc gia Đông Bắc Á này đến châu Âu.
Máy bay của hãng hàng không All Nippon Airway. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hãng hàng không tên tuổi của Nhật Bản All Nippon Airway (ANA) mới đây đã công bố chiến lược tăng cường thêm các chuyến bay đến châu Âu từ 5 tuyến lên 9 tuyến, tương đương mức tăng 30% năng lực vận chuyển hành khách từ quốc gia Đông Bắc Á này đến châu Âu.
Trong bối cảnh số lượng người Nhật Bản lựa chọn du lịch châu Âu phục hồi chậm do đồng yen thấp, ANA kỳ vọng sẽ củng cố vị thế hãng hàng không đối tác Nhật Bản lớn nhất của châu Âu cũng như tìm kiếm kênh trung gian để mở rộng khai thác thị trường Trung Đông và châu Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trước mắt ANA sẽ mở thêm đường bay đến ba thành phố lớn gồm Milan (Italy), Stockholm (Thụy Điển) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025. Trong đó, Milan và Istanbul là điểm đến đầu tiên của ANA và Stockholm là điểm đến đầu tiên của một hãng hàng không Nhật Bản.
Chủ tịch ANA Shinichi Inoue phát biểu trước báo giới ngày 19/7 rằng: “Châu Âu như một chiếc kính vạn hoa lấp lánh và mỗi quốc gia đều có ngành công nghiệp mũi nhọn và nền văn hóa riêng. ANA đang ngày củng cố vị thế của một hãng hàng không Nhật Bản có số lượng chuyến bay kết nối giữa Nhật Bản và châu Âu lớn nhất”.
Hiện “ông lớn” của hãng hàng không Nhật Bản này đang đứng đầu về số lượng các chuyến bay khứ hồi giữa Nhật Bản và châu Âu với 217 chuyến, nhiều hơn khoảng 40% so với vị trí thứ hai là Japan Airlines (JAL) và gấp đôi Deutsche Lufthansa của Đức ở vị trí thứ ba.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), quy mô của thị trường hàng không châu Âu là rất lớn, chiếm khoảng 26% lưu lượng hành khách nếu tính theo khu vực (số liệu năm 2023), chỉ đứng sau khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 34,1%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khá chậm với dự báo chỉ số tăng trưởng hàng năm (CAGR) chỉ là 2,3% trong giai đoạn từ 2023-2043, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 3,8% và thấp nhất trong tất cả các khu vực trên thế giới.
Động thái mở rộng thị trường sang châu Âu của ANA lại đặt dấu hỏi lớn đối với giới chuyên gia khi mức độ phục hồi du lịch nước ngoài của người Nhật đang rất chậm sau đại dịch COVID-19 do ảnh hưởng của đồng yen yếu.
Thống kê của Hãng du lịch JTB cho thấy, số lượng các tour du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ hè năm 2024 dự kiến sẽ tăng 1% so với năm ngoái, lên mức 1,75 triệu lượt khách nhưng chỉ tương đương với mức 60% so với trước đại dịch COVID-19.
Còn theo số liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản công bố ngày 19/7, số lượng người Nhật Bản lựa chọn du lịch nước ngoài trong tháng Sáu là khoảng 930.000 lượt, tăng 32% so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn 39% so với năm 2019.
Về vấn đề này, Chủ tịch ANA Shinichi Inoue nhấn mạnh, việc tăng chuyến bay đến châu Âu không chỉ nhằm đón đầu quá trình phục hồi tăng trưởng các chuyến đi nước ngoài của người dân Nhật Bản mà còn củng cố thị trường châu Âu như một “cửa ngõ” quan trọng để ANA tiếp cận và mở rộng thị trường Trung Đông và châu Phi. Thông qua các sân bay ở châu Âu, ANA có thể di chuyển đến 76 điểm ở 34 quốc gia nhờ hợp tác thực hiện những chuyến bay nối với các hãng hàng không đối tác.
Phạm Tuân-Link gốc