Chính phủ Nhật Bản hôm 19/7 đưa ra dự báo nước này có thể đón lượng du khách nước ngoài kỷ lục là 35 triệu lượt người trong năm nay. Bên cạnh đó, chi tiêu cho du lịch ở Nhật Bản cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay - khoảng 8.000 tỷ Yên (50 tỷ USD)…
Đám đông du khách xếp hàng chờ lên núi Phú Sĩ. Ảnh: Nikkei Asia.
Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, có khoảng 17,78 triệu lượt du khách đã đến thăm nước này từ tháng 1 đến tháng 6/2024. Theo dữ liệu từ Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), lượng khách du lịch đến Nhật nửa đầu năm tăng 65,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số 17,78 triệu lượt cũng vượt 6,9% so với năm 2019, đánh dấu sự phục hồi của ngành du lịch nước này so với trước đại dịch.
Tháng 6, lượng khách du lịch đến Nhật đạt kỷ lục mới với 3,13 triệu lượt, tháng thứ tư liên tiếp có hơn 3 triệu lượt khách. Dẫn đầu thị trường gửi khách, người Hàn Quốc đang đổ xô vào Nhật Bản. Một khách du lịch Hàn Quốc bày tỏ: “Tôi rất phấn khích vì mọi thứ đều rẻ. Hàng hóa hàng ngày dành cho trẻ em rẻ hơn rất nhiều so với ở Hàn Quốc. Tôi mua mọi thứ tôi có thể và chắc sẽ sớm quay lại". Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, khách du lịch hàng không đã thực hiện 10,2 triệu chuyến đi Hàn Quốc - Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay.
Tương tự, du khách Trung Quốc chi tiêu 442 tỷ Yên, chủ yếu vào mua sắm và nhiều hơn khách từ các thị trường khác trong quý 2. Đồng Yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD cũng đã khiến Nhật Bản trở thành một điểm đến vừa túi tiền với du khách Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ. Theo Nikkei Asia, cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) ước tính du khách đã chi tiêu tổng cộng 3,9 nghìn tỷ Yên (24,8 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2024. Chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản tăng 73,5% so với 2023 và 68,6% so với năm 2019.
Du khách Hàn Quốc và Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản khi đồng Yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD.
Du khách Hàn Quốc và Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản khi đồng Yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD.
Naomi Mano, Chủ tịch Công ty lữ hành Luxurique, chia sẻ: "Đồng Yên yếu đã thúc đẩy sức hấp dẫn của Nhật Bản, khuyến khích các kế hoạch du lịch tự phát và xu hướng lưu trú lâu hơn. Chúng tôi cũng đang chứng kiến thêm nhiều khách từ các quốc gia vốn trước đây ít lựa chọn tới Nhật Bản. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý khi năm 2019, khoảng 30% du khách là người Trung Quốc".
Còn theo bà Elise Hodgson từ công ty lữ hành Inside Japan cho biết tỷ giá hối đoái thuận lợi mang đến cho du khách người Australia cơ hội thử những trải nghiệm đắt đỏ vượt ngoài ngân sách trước đây. Họ có thể ăn uống tại các nhà hàng cao cấp và khám phá văn hóa ẩm thực sẽ có giá phải chăng hơn, cũng như nghỉ tại một ryokan (nhà trọ kiểu Nhật Bản) theo phong cách truyền thống.
Nghiên cứu Tác động kinh tế (EIR) năm 2024 của Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo 2024 sẽ là một năm kỷ lục đối với ngành du lịch & lữ hành Nhật Bản. Trong năm nay, ngành dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế gần 44.600 tỷ Yên. Con số này tăng 5,7% so với mức đỉnh năm 2019, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành hiện chiếm 7,5% GDP của Nhật Bản.
Việc làm trong lĩnh vực du lịch & lữ hành của Nhật Bản cũng được dự báo sẽ vượt 6 triệu vị trí trong năm nay, đánh dấu mức tăng 10% so với năm trước. Bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTTC, cho rằng ngành du lịch & lữ hành của Nhật Bản chuẩn bị phá vỡ mọi kỷ lục, một phần nhờ đồng Yên giảm giá, tạo điều kiện hấp dẫn du khách quốc tế. Tuy nhiên, trong khi chi tiêu của du khách góp phần tích cực vào nền kinh tế nói chung thì tình trạng đông người tại các điểm du lịch nổi tiếng lại khiến các nhà hoạch định chính sách phần nào cũng cảm thấy lo ngại.
Dự báo 2024 sẽ là một năm kỷ lục đối với ngành du lịch & lữ hành Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã phải đưa ra cam kết sẽ thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề "du lịch quá tải" - tình trạng gây ra tắc đường, ô nhiễm, phức tạp cho cư dân - và các vấn đề khác, đồng thời đẩy mạnh phát triển các khu vực du lịch bền vững. Tại Hội nghị Bộ trưởng Xúc tiến Du lịch Quốc gia mới đây, Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh, điều cấp bách là phải cân đối lượng du khách nước ngoài giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Theo đó, chính phủ Nhật đã chọn 20 địa điểm làm “khu vực thí điểm tiên phong” để thử nghiệm các biện pháp ứng phó với tình trạng quá tải du khách nước ngoài và Chính phủ sẽ trợ cấp 2/3 kinh phí vận hành, tối đa là 80 triệu Yên (hơn 500.000 USD). Chương trình hỗ trợ tài chính này bao gồm việc mở rộng những chuyến bay đến các sân bay địa phương. Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch áp dụng một hệ thống mới gọi là "thông quan trước" giúp rút ngắn thời gian cần thiết làm thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài từ đầu năm 2025.
Cụ thể, hệ thống làm thủ tục trước sẽ cho phép du khách hoàn tất hầu hết các cuộc kiểm tra nhập cảnh ngay tại các sân bay khởi hành. Những người đã hoàn tất thủ tục sẽ được rút ngắn thời gian khi chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh đơn giản tại các sân bay Nhật Bản. Chính phủ có kế hoạch triển khai chương trình này dành cho du khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc), bắt đầu từ tháng 1/2025, sau đó sẽ mở rộng phạm vi đến du khách từ các nước khác.
Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất dự thảo luật hóa thuế lưu trú và áp dụng từ năm 2026 như một nguồn thu ổn định.
Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất dự thảo luật hóa thuế lưu trú và áp dụng từ năm 2026 như một nguồn thu ổn định.
Để đón đầu làn sóng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản phục hồi mạnh trong thời gian tới, một tài khoản Instagram phiên bản tiếng Trung đã được tỉnh Ehime và Kagawa phát triển có tên là “Sổ hồng du lịch”, giúp du khách Trung Quốc có thể tiếp cận các thông tin du lịch liên quan đến địa phương ngày từ trong nước. Việc phát triển ứng dụng này được UNBOT, một doanh nghiệp tiếp thị kỹ thuật số ở Trung Quốc tiến hành và nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội du lịch các địa phương ở Nhật Bản. Hiện công ty này đang đàm phán với hơn 50 địa phương khác để thúc đẩy mô hình này.
Bên cạnh đó, để giảm bớt tình trạng quá tải du khách, ngày càng nhiều chính quyền địa phương xem xét áp dụng thuế lưu trú và phí thăm quan đối với du khách quốc tế. Tỉnh Hokkaido, tiếp theo thị trấn Kutchan, thị trấn Niseko sẽ áp dụng thuế lưu trú từ 100 - 2.000 Yên/người/đêm từ tháng 11/2024. Thành phố Atami, tỉnh Shizuoka, cũng sẽ áp dụng thuế lưu trú 200 Yên/người/đêm từ tháng 4/2025. Từ tháng 7, tỉnh Yamanashi sẽ thu phí chặng đường bộ lên tầng 5 của núi Phú Sỹ là 2.000 Yên và du khách quốc tế cũng phải trả 4.000 Yên cho một chuyến leo trải nghiệm leo núi Phú Sỹ.