Một chỉ số quan trọng về thể trạng của lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã phục hồi vào tháng Bảy, trong khi một thước đo hoạt động chế tạo lại cho thấy có sự sụt giảm.
Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Đây là những dấu hiệu mới nhất thể hiện sự tăng trưởng không đồng đều của nền kinh tế Nhật Bản.
S&P Global ngày 24/7 cho biết, Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của au Jibun Bank cho lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã tăng từ mức 49,4 vào tháng Sáu lên 53,9 trong tháng Bảy, mức cao nhất trong ba tháng qua. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nhu cầu nội địa có thể đủ mạnh để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát.
Tuy nhiên, chỉ số PMI cho lĩnh vực chế tạo lại cho thấy sự thu hẹp từ mức 50 trong tháng Sáu xuống 49,2 trong tháng Bảy.
Những con số tương phản này cho thấy hoạt động không đồng đều của nền kinh tế, trong bối cảnh Nhật Bản đang vật lộn để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vững chắc, sau khi ghi nhận năm quý tăng trưởng âm trong 11 quý gần đây.
Tuy nhiên, sự cải thiện trong lĩnh vực dịch vụ là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nền kinh tế có thể mạnh hơn so với mức được thể hiện qua số liệu chi tiêu tiêu dùng. Đó sẽ là một diễn biến tích cực đối với các nhà hoạch định chính sách, vốn đang lo ngại về hoạt động tiêu dùng tư nhân và tác động của lạm phát đối với các hộ gia đình và giới doanh nghiệp.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ họp vào tuần tới để quyết định chính sách và kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu của mình. Theo các nguồn thạo tin, các quan chức BoJ cho rằng sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng đang khiến họ khó đưa ra quyết định về việc có tăng lãi suất hay không.
Các dự đoán rằng BoJ có thể tăng lãi suất tại cuộc họp tuần tới đã hỗ trợ đồng yen. Trong diễn biến mới nhất, trong phiên giao dịch chiều 24/7, đồng yen đã có thời điểm đạt mức cao nhất trong hai tháng qua, ở mức khoảng 154 yen đổi 1 USD, gây ra nguy cơ bán tháo đối với nhóm cổ phiếu xuất khẩu và khiến chỉ số Nikkei giảm phiên thứ sáu liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2021.
Link gốc