Xu hướng mua vàng của PBoC vẫn tiếp diễn sang năm 2024. Ngân hàng này đã mua ròng 28,9 tấn vàng từ tháng 1-4/2024, chỉ sau Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã trở thành một trong những thể chế mua vàng hàng đầu thế giới và có xu hướng tiếp tục tích lũy kim loại quý này.
Việc nắm bắt rõ ràng các động thái của ngân hàng trung ương trên thị trường là rất khó khăn. Dữ liệu hàng tháng của PBoC về dự trữ ngoại hối của họ cung cấp một trong những manh mối ít ỏi để quan sát hoạt động của họ.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổ chức sử dụng dữ liệu này và các dữ liệu khác để theo dõi dự trữ vàng của ngân hàng trung ương, PBoC đã mua khoảng 224,9 tấn vàng trong năm 2023 - một trong những lượng mua vàng lớn nhất của bất kỳ ngân hàng trung ương lớn nào và tương đương với khoảng 5% tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong năm đó.
Xu hướng mua vàng của PBoC vẫn tiếp diễn sang năm 2024. Ngân hàng này đã mua ròng 28,9 tấn vàng từ tháng 1-4/2024, chỉ sau Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hoạt động mua vàng của PBoC đã chững lại vào tháng Năm và tháng Sáu, khi giá vàng leo lên mức cao kỷ lục. Tính đến cuối tháng 6/2024, Trung Quốc nắm giữ 2.264,3 tấn vàng, tăng 22% so với cuối năm 2018.
Đối với người tiêu dùng Trung Quốc, Ngân hàng trung ương mua thêm vàng đã mang lại cho họ nhiều niềm tin hơn để đầu tư vào kim loại quý này, theo ông Nikos Kavalis, Giám đốc điều hành chi nhánh Singapore của công ty tư vấn nghiên cứu kim loại quý Metals Focus có trụ sở tại Anh.
PBoC đột ngột tăng cường kho dự trữ vàng của họ vào năm 2015 và 2016, bổ sung gần 800 tấn vàng trong hai năm đó, vào thời điểm mà người ta tin rằng Trung Quốc đã giảm tỷ lệ nắm giữ đồng USD trong dự trữ ngoại hối do căng thẳng thương mại với Mỹ.
Việc mua vàng của ngân hàng này đã tăng trở lại vào tháng 11/2022, với 18 tháng mua vào liên tiếp cho đến tháng 4/2024, giúp kho dự trữ vàng của họ tăng thêm 316 tấn. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh các nước phương Tây đóng băng tài sản bằng đồng USD của Nga để đáp trả cuộc xung đột Ukraine - Nga.
Ông Campbell Harvey, Giáo sư tài chính tại Đại học Duke, cho biết, chứng kiến những gì đã xảy ra với Nga đã khiến Trung Quốc ý thức hơn về việc sử dụng vàng như một hàng rào phòng hộ. Kim loại này từ lâu được coi là một "thiên đường trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và kinh tế.
Minh Trang-Link gốc