Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 31/7, Singapore và Mỹ đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để nghiên cứu cách công nghệ hạt nhân có thể hỗ trợ nhu cầu năng lượng và khí hậu.
Thỏa thuận này, còn được gọi là “Hiệp định 123”, được trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai ngày của ông Blinken tới Singapore.
Thỏa thuận sẽ cho phép hợp tác hạt nhân sâu sắc giữa Singapore và Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay và kéo dài trong 30 năm. Tuy nhiên, theo tuyên bố chung, Singapore vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc triển khai năng lượng hạt nhân tại Singapore. Thỏa thuận cũng sẽ cho phép Singapore hợp tác với các quốc gia khác sử dụng công nghệ và thiết kế năng lượng hạt nhân có chứa các thành phần hoặc sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ Mỹ.
Phát biểu tại lễ ký, Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định Singapore coi việc không phổ biến vũ khí hạt nhân là điều cần thiết đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Ông cho biết: “Các công nghệ hạt nhân thông thường hiện tại không phù hợp với Singapore. Nhưng với những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân dân sự, chúng ta cần theo kịp những đột phá trong lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này”. Ông nói thêm rằng thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin, chuyên môn công nghệ và cho phép Singapore tăng cường hợp tác với các chuyên gia hạt nhân dân sự tại Mỹ.
“Hiệp định 123” tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác hạt nhân hòa bình như xuất khẩu vật liệu, thiết bị và linh kiện hạt nhân từ Mỹ sang một quốc gia khác. Hiện Mỹ có 24 Hiệp định 123 còn hiệu lực với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, một số quốc gia thành viên ASEAN... “Hiệp định 123” của Indonesia và Việt Nam với Mỹ có hiệu lực vào năm 1981 và 2014, trong khi thỏa thuận của Philippines với Mỹ có hiệu lực vào ngày 2/7 năm nay.
Thỏa thuận mới ký kết này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Điều này sẽ giúp Singapore tiếp cận thông tin chi tiết về công nghệ và chuyên môn năng lượng hạt nhân của Mỹ đang được kiểm soát xuất khẩu.
Singapore đang thảo luận về việc khám phá tính khả thi của năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng xanh ở nước này trong tiến trình khử cacbon cho ngành điện nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một báo cáo năm 2022 tính toán rằng năng lượng hạt nhân có thể cung cấp khoảng 0,1% nhu cầu năng lượng của Singapore vào năm 2050.
Tháng 4, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng cho biết nước này có kế hoạch xây dựng nhóm khoảng 100 chuyên gia về năng lượng hạt nhân trong trung và dài hạn nhưng nhấn mạnh chưa có quyết định nào được đưa ra về việc triển khai năng lượng hạt nhân.
Thông qua thỏa thuận với Mỹ cũng như các sáng kiến xây dựng năng lực khác, Singapore và Mỹ dự định tăng cường hơn nữa hợp tác hạt nhân dân sự để hiểu rõ hơn về cách các công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến, bao gồm cả lò phản ứng mô-đun nhỏ, có khả năng hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu trong khi cân bằng các nhu cầu năng lượng quan trọng.
Những sáng kiến khác bao gồm chương trình Cơ sở hạ tầng nền tảng cho việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (FIRST) của Mỹ, nhằm hỗ trợ các đối tác xây dựng năng lực để hiểu rõ hơn về lò phản ứng mô-đun nhỏ hoặc các công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến mới hơn, cũng như các vấn đề chính như an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo chương trình FIRST, Singapore sẽ được tiếp cận mạng lưới các tổ chức của Mỹ tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, bao gồm Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ và các công ty phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân mới hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng năng lực của mình. FIRST cũng sẽ đóng vai trò là nền tảng để điều phối hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Singapore.
Tất Đạt-Link gốc