• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.258,95 +19,69/+1,59%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:04:59 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.258,95   +19,69/+1,59%  |   HNX-INDEX   232,30   +1,46/+0,63%  |   UPCOM-INDEX   93,12   +0,55/+0,59%  |   VN30   1.303,65   +22,28/+1,74%  |   HNX30   504,42   +6,35/+1,27%
17 Tháng Chín 2024 10:29:15 CH - Mở cửa
BOJ hứng chỉ trích vì chọn sai thời điểm tăng lãi suất
Nguồn tin: Vneconomy | 07/08/2024 4:38:34 CH

Động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần trước đã vấp phải một làn sóng chỉ trích...

Thống đốc BOJ Kuzuo Ueda - Ảnh: Bloomberg.

Động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần trước đã vấp phải một làn sóng chỉ trích từ những người cho rằng bước đi này “châm ngòi” cho cú giảm lịch sử của chứng khoán Nhật và khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Sự chỉ trích này có thể sẽ khiến BOJ “đóng băng” kế hoạch tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.

“BOJ cần thận trọng với các số liệu kinh tế và diễn biến thị trường. Việc BOJ tăng lãi suất giữa lúc có những số liệu thống kê kinh tế xấu cho thấy họ không chú ý đến dữ liệu”, nhà kinh tế trưởng Nobuyasu Atago của công ty Rakuten Securities Economic Research Institute nhận định với hãng tin Bloomberg.

Tuần trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda liên tục nhấn mạnh rằng BOJ đi đến quyết định tăng lãi suất vì các số liệu kinh tế và lạm phát cho thấy diễn biến trong nền kinh tế hoàn toàn phù hợp với dự báo trước đó. Ông cũng nói rằng lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên chừng nào xu hướng đó duy trì. Tuy nhiên, việc chứng khoán Nhật Bản có cú giảm mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ vào hôm thứ Hai tuần này đã khiến giới phân tích cho rằng BOJ có thể đã nâng lãi suất quá sớm. Nhiều người đang thay đổi kỳ vọng về đường đi của lãi suất BOJ trong thời gian tới.

BOJ CHỊU SỨC ÉP CHÍNH TRỊ?

“Đó là một động thái tăng lãi suất sai thời điểm. Bây giờ, BOJ sẽ phải đợi thêm để xem liệu nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái hay hạ cánh mềm, trước khi đưa ra quyết định về động thái tiếp theo. Ít nhất, BOJ sẽ không nâng lãi suất vào tháng 9 hoặc tháng 10”, nhà kinh tế trưởng Mari Iwashita của công ty Daiwa Securities Co. phát biểu.

Quyết định tăng lãi suất của BOJ ngày 31/7 đã giúp đồng yên phục hồi từ mức thấp nhất 38 năm. Xu hướng mất giá kéo dài của đồng yên đã gây suy giảm sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản. Nhưng giờ đây, sự tăng giá nhanh chóng của đồng tiền này - với mức tăng khoảng 8% so với USD trong tuần trước - đang gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu nước này, khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp đó sụt giảm.

Điều này diễn ra trong bối cảnh BOJ đã chấm dứt chương trình mua vào chứng chỉ quỹ giao dịch hoán đổi (ETF), một công cụ mà lẽ ra các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể triển khai để ngăn đà rơi tự do của giá cổ phiếu.

Trước mấy phiên giảm mạnh gần đây của chứng khoán Nhật, hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng sẽ có một đợt tăng lãi suất khác của BOJ trong thời gian còn lại năm nay, sau khi ông Ueda đưa ra những phát biểu theo chiều hướng cứng rắn. Tuần trước, 68% các nhà kinh tế tham gia một cuộc khảo sát của Bloomberg dự kiến ​​lãi suất chính sách của BOJ sẽ đạt 0,5% vào cuối năm, từ mức 0,25% hiện tại.

Đồng yên đã giảm giá trở lại so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 6/8, giao dịch ở mức khoảng 146 yên đổi 1 USD. Thị trường chứng khoán Nhật hồi phục hơn 10% trong phiên này.

Biến động thị trường đã làm gia tăng căng thẳng chính trị ở Nhật Bản. Vào ngày thứ Ba, đảng đối lập chính đã kêu gọi Thống đốc Ueda sớm điều trần trước Quốc hội về quyết định chính sách mới nhất của BOJ.

Từ thời người tiền nhiệm của ông Ueda là ông Haruhiko Kuroda, BOJ đã giữ chủ trương rút lại chính sách tiền tệ siêu nới lỏng một cách từ tốn - mở rộng biên độ cho lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trước khi xóa bỏ biên độ đó, và giảm dần lượng mua trái phiếu. Sự từ tốn này càng làm nổi bật thay đổi mà nhiều chuyên gia cho là “bất thình lình”, khi BOJ vào hôm thứ Tư tuần trước vừa tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, vừa mạnh tay cắt giảm chương trình mua trái phiếu.

Đã xuất hiện một số đồn đoán cho rằng BOJ đã hành động dưới sức ép chính trị.

“Tôi không thể không nghĩ rằng có yếu tố chính trị phía sau quyết định này. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải xem đây là một tín hiệu của giao tiếp giữa giới chính trị và BOJ về cách ứng phó với đồng yên yếu”, ông Atago nhận xét.

Vị chuyên gia nhận định dữ liệu tiêu dùng và sản xuất của Nhật Bản vẫn còn quá yếu để có thể biện minh cho việc tăng lãi suất. Chi tiêu của người tiêu dùng theo giá trị thực đã giảm trong 4 quý liên tiếp tính đến hết tháng 1 năm nay do lạm phát ăn mòn sức mua của người dân. Hôm thứ Ba tuần trước, báo cáo thống kê cho thấy mức tiêu dùng vẫn yếu trong tháng 6 dù tiền thưởng mùa hè tăng đã giúp tiền lương thực tế chuyển sang trạng thái tăng lần đầu tiên sau 2 năm.

BOJ LIỆU CÓ TĂNG LÃI SUẤT THÊM TRONG NĂM NAY?

Tháng trước, hai chính trị gia cấp cao trong đảng cầm quyền Nhật Bản đã có động thái hiếm hoi là đề cập đến chính sách của BOJ, trước khi BOJ đi đến quyết định tăng lãi suất. Ông Toshimitsu Motegi - một nhân vật có ảnh hưởng lớn - cho rằng BOJ nên thể hiện rõ hơn ý định bình thường hóa chính sách tiền tệ, trong khi thành viên nội các Kono Taro lên tiếng phản đối đồng yên yếu khi  nói về BOJ.

Cả ông Motegi và ông Taro đều được coi là những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử vào tháng 9 - sự kiện diễn ra gần với thời điểm BOJ có cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo.

Các bình luận của hai chính trị gia nói trên cho thấy toan tính chính trị đã thay đổi theo thời gian như thế nào. Trong thời kỳ giảm phát ở Nhật, các chính trị gia nước này đã gây áp lực đòi BOJ nới lỏng chính sách và trì hoãn việc thắt chặt. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã công khai phát biểu vào năm 2014 rằng Chính phủ đã phản đối việc chấm dứt nới lỏng định lượng vào năm 2006 và việc bãi bỏ chính sách lãi suất bằng 0.

Thư Ba tuần trước, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông đang theo dõi diễn biến thị trường với tinh thần khẩn trương và rằng Chính phủ của ông sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với BOJ.

Tuy nhiên, vẫn có những người ủng hộ quyết định tăng lãi suất mới nhất của BOJ và cho rằng biến động hỗn loạn trên thị trường gần đây có liên quan nhiều hơn đến các số liệu kinh tế Mỹ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa giảm lãi suất.

Ông Jesper Koll, giám đốc chuyên môn tại công ty Monex Group Inc. cho rằng BOJ không hề hành động quá sớm vì “bình thường hóa là điều nên làm”. “Tăng lãi suất ở Nhật Bản không phải là vấn đề, nhưng việc thiếu cân bằng giữa tăng lãi suất với ngôn ngữ ôn hòa đã mang tới một sự bất ngờ tiêu cực”, ông Koll nhận xét về động thái tăng lãi suất ngày 31/7 của BOJ.

Ông Jin Kenzaki - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản và nhà kinh tế trưởng của Societe Generale -  nếu mối lo của thị trường về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ dịu xuống, BOJ có thể tiếp tục tăng lãi suất vào khoảng tháng 12. Ông cho rằng dù thế nào đi nữa, những diễn biến gần đây của thị trường chủ yếu do tin tức từ Mỹ gây ra.

“Nếu thị trường dự báo chính xác Mỹ suy thoái, tất nhiên BOJcó thể sẽ quyết định không tăng lãi suất thêm một lần nào nữa trong năm nay”, ông Kenzaki nói.

An Huy-Link gốc