Khoảng 1/3 các nhà máy sản xuất ô tô lớn của EU hiện đang hoạt động chưa đến một nửa công suất.
Nhiều nhà máy của các hãng sản xuất ô tô châu Âu có nguy cơ phải đóng cửa do nhu cầu xe xăng chậm lại và cạnh tranh ngày càng tăng trước xu hướng chuyển đổi sang xe điện lan rộng.
Theo phân tích của trang phân tích dữ liệu Just Auto, gần 1/3 số nhà máy sản xuất xe khách của năm hãng xe lớn nhất châu Âu – BMW, Mercedes-Benz, Stellantis, Renault và VW – không hoạt động hết công suất vào năm ngoái. Các số liệu cho thấy sản lượng của các “gã khổng lồ” này chưa bằng 1 nửa công suất thiết kế.
Doanh số bán hàng hàng năm tại châu Âu thấp hơn khoảng 3 triệu xe so với mức trước đại dịch. Do đó, nhà máy không hoạt động hết công suất, đe dọa hàng nghìn việc làm.
Trước tình cảnh của các nhà máy, nhiều lo ngại cho rằng châu Âu này đang phải đối mặt với suy thoái kéo dài sau khi tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc.
“Nhiều nhà sản xuất ô tô đang vật lộn để giành thị phần nhỏ hơn”, Matthias Schmidt, một chuyên gia phân tích ô tô độc lập có trụ sở gần Hamburg nói. “Một số nhà máy sản xuất chắc chắn sẽ phải đóng cửa,” ông cảnh báo.
Tuần trước, Volkswagen thông báo rằng hãng đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong gần 90 năm hoạt động. “Ông lớn” ô tô cho biết họ đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
BMW đã cảnh báo rằng nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc sẽ đe dọa lớn hơn nữa đến doanh số và lợi nhuận.
Viễn cảnh các nhà máy ở châu Âu đóng cửa ngày càng trở nên u ám hơn trong những năm gần đây trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt và thiếu hụt lao động khiến chi phí nhân sự tăng cao. Nếu không thể xoay chuyển tình thế, kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện ngành công nghiệp ô tô chiếm hơn 7% GDP của EU và tạo ra hơn 13 triệu việc làm.
Các nhà máy lắp ráp ô tô thường là “mỏ neo của địa phương”, đảm bảo việc làm cho vô số doanh nghiệp xung quanh, bao gồm các nhà cung cấp phụ tùng động cơ, công ty vận tải, giao hàng, đồ ăn.
Việc đóng cửa các nhà máy thường là “giải pháp cuối cùng” ở một khu vực mà các công đoàn và chính trị gia có ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định của doanh nghiệp.
Fabian Brandt, một chuyên gia trong ngành của công ty tư vấn Oliver Wyman, cho biết có “ap lực hợp nhất lớn” đối với các nhà máy ô tô ở châu Âu. “Các nhà máy kém hiệu quả sẽ được đánh giá và sẽ có những cơ sở buộc phải đóng cửa”, ông cho biết.
Y Vân-Link gốc