Giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ hạ lãi suất vào tuần tới...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Tỷ giá đồng yên Nhật đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm trong tuần này và hiện vẫn duy trì gần mức đó do giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ hạ lãi suất vào tuần tới.
Sáng nay (13/9), tỷ giá đồng USD tiếp tục đà giảm mạnh của phiên ngày hôm qua do giới đầu tư tăng đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất với mức giảm lớn trong cuộc họp vào tuần tới. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có đồng yên, có lúc giảm hơn 0,3%, về mức 101,05 điểm, thấp nhất trong 1 tuần trở lại đây - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Phiên ngày 12/9, chỉ số này đã giảm gần 0,5%.
Dữ liệu cập nhật từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 43% Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp kết thúc vào ngày 18/9, từ mức chỉ 29% cách đây 2 ngày. Cùng với đó, khả năng Fed hạ lãi suất với mức giảm 0,25 điểm phần trăm giảm còn 57% từ 71%.
RỦI RO LẠM PHÁT TĂNG TỐC Ở NHẬT BẢN
“Đây là một cú ngoặt khác trong cuộc tranh luận về việc Fed giảm lãi suất”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nhận định với hãng tin Reuters về tác động của sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất Fed đối với tỷ giá USD/yên.
Mấy ngày gần đây, “ai cũng nghĩ Fed sẽ giảm lãi suất chỉ 0,25 điểm phần trăm. Bây giờ, mức 0,5 điểm phần trăm đã đột ngột quay trở lại” - ông Sycamore nói.
Đồng USD có lúc giảm giá 0,41% so với đồng yên, về mức 141,225 yên đổi 1 USD. Hôm thứ Tư, tỷ giá đồng yên đạt mức 140,71 yên đổi 1 USD, mức tỷ giá cao nhất của đồng tiền Nhật Bản từ đầu năm đến nay.
Đồng yên cũng đang được hỗ trợ bởi những phát biểu cứng rắn của giới chức BOJ.
Ngày thứ Năm, ông Naoki Tamura - một thành viên hội đồng chính sách BOJ - bày tỏ lo ngại rằng “rủi ro lạm phát tăng đang trở nên lớn hơn”.
Hôm thứ Tư, một thành viên khác của hội đồng chính sách BOJ là bà Junko Nakagawa tuyên bố cơ quan này sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ miễn sao nền kinh tế diễn biến phù hợp với dự báo.
Dù không có gì mới so với lập trường chính sách gần đây của BOJ, những phát biểu này được đưa ra đúng vào thời điểm giới đầu tư đang tập trung vào khoảng cách lãi suất rút ngắn giữa Nhật Bản và Mỹ.
“Tôi cho rằng mức độ nới lỏng của chính sách tiền sẽ được điều chỉnh nếu dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Nhật Bản trở thành hiện thực. Mức lãi suất thực hiện nay là cực kỳ thấp”, bà Nakagawa nói.
Nhà kinh tế cấp cao Shotaro Mori của ngân hàng SBI Shinsei Bank cho rằng biến động tỷ giá đồng yên phản ánh mối lo của thị trường tài chính về triển vọng chính sách tiền tệ Nhật Bản sau đợt tăng lãi suất vào tháng 7. “Với mức độ biến động cao trên thị trường, BOJ sẽ không tăng lãi suất trong tháng 9 này”, ông Mori nhận định.
Cũng giống như ông Mori, phần lớn giới chuyên gia dự báo BOJ dự báo BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới. Dù vậy, phát biểu của bà Nagakawa được xem là một lời nhắc nhở rằng BOJ có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay hoặc đầu năm tới nếu tình tăng trưởng kinh tế và lạm phát phù hợp với kỳ vọng.
Trong khi đó, Fed được dự báo sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia dự báo đồng yên sẽ tiếp tục tăng giá trong dài hạn. Chiến lược gia Homin Lee của ngân hàng đầu tư Lombard Odier ở Singapore dự báo đồng yên tăng lên vùng 135 yên đổi 1 USD trong vòng 12 tháng tới.
BOJ KHÔNG VỘI, NHƯNG SẼ TIẾP TỤC TĂNG LÃI SUẤT
Bà Nagakawa lưu ý rằng số liệu GDP và tiền lương công bố sau cuộc họp tháng 7 cho thấy nền kinh tế vẫn giữ nhịp tăng trưởng sau khi BOJ tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 17 năm vào tháng 3. “Tôi xem đó là những tín hiệu tích cực. Như những gì chúng tôi đã thấy, nền kinh tế vẫn đi đúng hướng kể từ khi có thay đổi chính sách vào tháng 3, và giống như những gì đã được kỳ vọng trong cuộc họp tháng 7”, bà nói.
Giới chức BOJ nhận thấy không cần thiết phải tăng lãi suất chuẩn trong tháng 9 này, vì họ vẫn đang theo dõi những biến động kéo dài trên thị trường tài chính và tác động của đợt tăng lãi suất vào tháng 7 - theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Bloomberg. Nhiều chuyên gia cho rằng BOJ sẽ đợi đến tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau mới có đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Bà Nakagawa lưu ý rằng điều quan trọng là phải đánh giá xem liệu những biến động của thị trường sau đợt tăng lãi suất ngày 31/7 của BOJ có ảnh hưởng đến triển vọng và tiến trình đạt mục tiêu lạm phát 2% hay không. Bằng cách này, bà Nakagawa cho thấy BOJ không cần phải vội vã tăng lãi suất thêm lần nữa.
Tuy nhiên, nhận xét của bà Nakagawa rằng lãi suất thực đang thấp cho thấy BOJ có dư địa để tiến hành một chuỗi những đợt tăng lãi suất. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm của BOJ đang ở mức 0,25%, thấp nhất trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Đề cập đến rủi ro, bà Nakagawa đặt rủi ro lạm phát tăng cao lên vị trí hàng đầu trong danh sách theo dõi của BOJ, vì doanh nghiệp có thể tăng giá quyết liệt nếu giá nhập khẩu tăng trở lại hoặc nếu tình trạng thiếu lao động đẩy tiền lương tăng nhanh hơn.
“Rủi ro đầu tiên tôi muốn nhắc đến là rủi ro lạm phát tăng cao. Có khả năng tăng trưởng tiền lương sẽ đi chệch hướng so với kịch bản của chúng tôi do thị trường lao động thắt chặt, vì vậy chúng tôi cần xem liệu tiền lương và lạm phát có vượt quá mục tiêu ổn định giá cả của chúng tôi hay không”, bà nói.
Link gốc