Chính sách tiền tệ hiện nay đặt ưu tiên lớn nhất là điều hành ổn định tỷ giá, đồng thời duy trì được lãi suất không quá cao, còn tiếp tục giảm hơn nữa là rất khó, bởi dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.
Trao đổi với VnBusiness, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XV, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nguy cơ kinh tế thế giới suy giảm cùng cuộc chiến thuế quan và thương mại toàn cầu cũng như chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của quốc gia hay nhóm quốc gia đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trở thành chủ chốt, trong khi chính sách tiền tệ có những hạn chế.
Lạm phát chưa đáng lo, tác động lớn nhất vẫn là tỷ giá
Về động thái áp thuế của Mỹ, ông Cường phân tích, khi Mỹ áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia, dòng chảy thương mại bị xáo trộn sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư và lạm phát trên thế giới, dẫn đến áp lực tỷ giá rất lớn.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm, đồng thời dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm.
“Trước đây, Việt Nam là nơi hấp dẫn để thu hút FDI đến sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ cũng như các thị trường khác, nhưng giờ đây các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn bởi Việt Nam không còn là điểm đến an toàn trong việc né tránh thuế quan nữa. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam. Do đó, nguồn dự trữ ngoại hối sẽ không còn dồi dào”, ông Cường nói.

Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều
Chuyên gia này cho rằng chính sách tiền tệ hiện nay ưu tiên lớn nhất là điều hành ổn định tỷ giá. Đồng thời, duy trì được lãi suất không quá cao, còn tiếp tục giảm hơn nữa là rất khó, bởi dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.
Ở góc nhìn khác, theo chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, sức ép lạm phát sẽ không đáng ngại, chưa đủ gây sức ép lên chính sách tiền tệ. Cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang phục hồi tốt, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát.
Hơn nữa, Việt Nam luôn có khả năng tự chủ về lương thực, nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu luôn được đảm bảo. Đặc biệt, Chính phủ vẫn có trong tay một số công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá như đảm bảo lộ trình điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu.
"VCBS duy trì quan điểm lạm phát nằm trong mục tiêu và khả năng kiểm soát của Chính phủ, và là cơ sở và dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng hài hòa các công cụ điều hành. Áp lực lạm phát nếu có, có thể ghi nhận vào cuối năm và đầu năm, do mức nền thấp của năm trước đó", chuyên gia nhận định.
Yếu tố chịu tác động lớn nhất giai đoạn này là tỷ giá. Trong bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.
Cẩn trọng rủi ro "bong bóng tài sản"
Về lãi suất, ông Nguyễn Hoài Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu VCBF, nhấn mạnh nhu cầu tiền của nền kinh tế chưa cao, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I/2025 vẫn còn khá yếu, nhưng cần chú ý trong trường hợp áp lực tỷ giá cao. NHNN có thể sẽ phải có những biện pháp để bảo vệ đồng tiền, từ đó khiến mặt bằng lãi suất tăng thêm.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu áp lực tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất có thể tăng thêm nhưng mức tăng không đáng kể và có khả năng tăng vào cuối năm.
Số liệu từ NHNN cho thấy tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi, chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, NHNN vẫn phải đảm bảo hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, do đó giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay có khả năng đạt được.
Chia sẻ với báo giới tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” được tổ chức ngày 10/4, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc đạt được tăng trưởng GDP hai con số hay trên 8% rất thách thức và rủi ro bởi nếu "ép giải ngân" sẽ khó mang lại hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân.
Nếu quá dễ dãi với tín dụng, chính sách tiền tệ, giải ngân đầu tư công để bằng mọi giá đạt mục tiêu tăng trưởng thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế, nguy cơ lạm phát, mất giá tiền tệ, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là "bong bóng tài sản" sẽ xuất hiện.
"Trường hợp tiền sẽ không đi vào sản xuất mà đi vào các bong bóng giá tài sản khiến chúng ta thất bại trong việc thu hút các nguồn lực tư nhân vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, đổi mới công nghệ tạo ra tăng trưởng thực trong dài hạn", chuyên gia này phân tích.
Ông Cường cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế trong nước, khả năng hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, động lực tăng trưởng phải là phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước. Khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tư nhân phải được tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, trong đó lĩnh vực bất động sản nhà đang được xem là trụ cột về tín dụng tiêu dùng.
“Nhu cầu vốn cho thị trường bất động sản rất lớn. Đây cũng là bài toán về điều hành tín dụng mà NHNN phải cân nhắc, điều tiết hài hoà nguồn vốn giữa các khu vực sản xuất và bất động sản. Bởi, nếu thắt quá với bất động sản thì mất trụ cột cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Nhưng nếu “mở cửa” cho tín dụng vào lĩnh vực này, nguy cơ tăng trưởng nóng xảy ra, tạo ra bong bóng tài sản”, ông Cường phân tích.
Huyền Anh-Link gốc