Theo VCBS, một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPBank, Techcombank và MB... sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này trước "cú sốc" thuế quan.
Ngân hàng ít chịu cú sốc thuế quan
Là ngành cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng ngành ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều trước cơn bão thuế quan của Tổng thống Mỹ. Theo Chứng khoán VCBS, ngân hàng là ngành chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia VCBS cũng cho rằng tác động của cơn bão thuế quan lên ngành ngân hàng không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ FDI chiếm khoảng 2%. Trong đó, các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, FDI lớn là nhóm ngân hàng quốc doanh như VietinBank, BIDV và Vietcombank - vốn có nền tảng tài chính vững, khả năng quản trị rủi ro tốt và dư địa vốn đủ để hấp thụ các cú sốc ngắn hạn từ thị trường.
Theo thống kê tại Wichart, tính đến hết quý IV/2024, Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt là 3 ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp FDI/tổng dư nợ lớn nhất hệ thống. Cụ thể, tỷ trọng cho vay doanh nghiệp của Vietcombank là 10,2% (tương đương 147.778,5 tỷ đồng), của VietinBank là 5,78% (tương đương 99.486,4 tỷ đồng) và BIDV là 3,54% (tương đương 72.708,4 tỷ đồng).
Theo sau là nhóm ngân hàng thương mại, dẫn đầu là MB với 2,42%, Techcombank với 1,93%, VIB với 1,08% và ACB với 0,93%. Các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPBank, Techcombank và MB... được cho là sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này. Nguyên nhân là khi chịu tác động từ rào cản thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp FDI có thể buộc phải thu hẹp sản xuất, trì hoãn kế hoạch đầu tư, từ đó giảm nhu cầu vay vốn.
.png)
Top 10 ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay doanh nghiệp FDI cao nhất (tính đến 31/12/2024).
Cũng đưa ra góc nhìn về vấn đề trên, nhóm phân tích MBS nhìn nhận ngân hàng là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng trước những thay đổi về chính sách thuế quan. Các ngân hàng vẫn đang giữ vững mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2025.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 đề ra ở mức 15% - 16%. Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, một số ngân hàng vẫn đang đặt mức tăng trưởng tín dụng cao, chẳng hạn như MB (26%), HDBank (25% - 26%), VPBank (20% - 25%)…
Theo giới phân tích, tác động của thuế quan lên tăng trưởng tín dụng là không nhiều. Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng Ban đào tạo và phát triển của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, nhận định động lực chính của tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ thị trường nội địa và không liên quan nhiều đến xuất khẩu.
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao, các ngân hàng đang có nhiều dư địa hơn để cho vay. Đáng chú ý, trong năm 2025, đầu tư công, hạ tầng đang được nhiều ngân hàng xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Mới đây nhất, ngày 4/4, Agribank và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng dự án “Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”. Trong đầu tháng 2/2025, TPBank cũng đã ký hợp đồng tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng như tín dụng cá nhân cũng được xem là “lực đẩy” cho tăng trưởng tín dụng năm nay.
Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo có nhiều biến động song ngành ngân hàng vẫn đang tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp và người đi vay.
Tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mới đây, bà Mai Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thừa nhận việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam là một thách thức lớn với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Cú sốc thuế quan này không chỉ tạo áp lực lên tỷ giá mà còn khiến NHNN phải tính toán kỹ lưỡng để duy trì sự cân bằng giữa tỷ giá và mặt bằng lãi suất.
Trước những thách thức mới, NHNN khẳng định vẫn giữ cam kết đồng hành cùng hệ thống ngân hàng, sẵn sàng cung ứng thanh khoản kịp thời và giữ ổn định lãi suất điều hành, tạo nền tảng cho các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay. Đáng chú ý, NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đảm bảo không làm gián đoạn dòng vốn cho nền kinh tế.
“Vì vậy, các tổ chức tín dụng không cần lo ngại về vấn đề thanh khoản hay hạn mức tín dụng mà cần chủ động tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay”, đại diện NHNN nói.
Tính từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay luôn được duy trì ở mức thấp. Theo thống kê mới nhất của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024.
Riêng với nhóm ngành nông, lâm, thủy sản - một trong những ngành phải chịu sức ép từ chính sách thuế quan - các ngân hàng đã chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất thấp hơn 1% - 2% so với mức cho vay bình quân. Đây được xem là giải pháp thiết thực nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, giúp giảm chi phí vốn, duy trì sản xuất, từ đó có thể từng bước thích ứng với những biến động từ thị trường quốc tế.
Trong tháng 3/2025, NHNN đã có văn bản số 1545/NHNN-TD, nâng quy mô gói vay ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm, thủy sản từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng ưu đãi đối với tất cả lĩnh vực nông - lâm, thủy sản.
Mới đây nhất, Agribank cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ có những gói tín dụng cho vay chuyên biệt hơn, không chỉ phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà phục vụ cho khách hàng vay là cá nhân cũng như doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong ngành lúa gạo.
Nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai loạt chương trình ưu đãi dành cho nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI ngay từ đầu năm. Chẳng hạn như Eximbank cung cấp gói tín dụng FDI Premium dành cho các doanh nghiệp FDI với lãi suất USD chỉ từ 3,4%/năm cùng ưu đãi phí vượt trội. NCB cũng có chương trình "Tài trợ Xuất khẩu trước khi giao hàng" cung cấp vốn lưu động cho doanh nghiệp xuất khẩu với tỷ lệ tài trợ lên đến 90% nhu cầu vốn.
Link gốc