“Bom” nợ trái phiếu một lần nữa lại đang trong tình trạng báo động đỏ khi hàng loạt đại gia bất động sản lâm vào thế khó, phải gia hạn, thậm khất nợ trong thời gian qua vì nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chủ yếu là sự luẩn quẩn dòng tiền.
Công ty TNHH Phát triển Kinh doanh Xây dựng 3 (XD3C) vừa có văn bản đính chính kết quả kinh doanh năm 2024 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cho thấy kết quả kinh doanh năm vừa qua và tình hình tài chính của XD3C là đáng lo ngại, khi thua lỗ và nợ nần cao.
Oằn vai gánh nợ
Cụ thể, trong năm 2024, Công ty TNHH Phát triển Kinh doanh Xây dựng 3 tiếp tục thua lỗ hơn 321 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 176 tỷ đồng trong năm 2023, qua đó nâng lỗ lũy kế lên hơn 497 tỷ đồng. Toàn bộ vốn đầu tư 252 tỷ đồng của chủ sở hữu đã bốc hơi hoàn toàn.
Đáng chú ý, tình hình tài chính của XD3C cũng khá ảm đạm, với tổng nợ tăng từ mức gần 2.427 tỷ đồng cuối năm 2023 lên 2.772 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Trong đó, vay nợ trái phiếu là 2.250 tỷ đồng.
Núi nợ trái phiếu của XD3C đến từ lô trái phiếu có mã XD3CH2328001, được phát hành ngày 20/6/2023 cho tổ chức chuyên nghiệp, tổng giá trị 2.250 tỷ đồng. Lô trái phiếu này sẽ đáo hạn ngày 20/6/2028, với lãi suất lên tới 14%/năm. Dù còn hơn 3 năm nữa, song tình hình tài chính ảm đạm khiến không ít trái chủ của công ty như “ngồi trên đống lửa”.

Áp lực trái phiếu vẫn rất nặng với doanh nghiệp bất động sản.
Tương tự, trong công bố thông tin gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào đầu tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Bông Sen (BongSen) cho biết, không thể thanh toán khoản lãi hơn 1.800 tỷ đồng của lô trái phiếu BSENCH2126003 tại ngày 31/12/2024 do tài khoản bị phong tỏa.
Lô BSENCH2126003 là trái phiếu duy nhất còn đang lưu hành của Bông Sen, có giá trị 4.800 tỷ đồng, phát hành năm 2021 và sẽ đáo hạn vào tháng 10/2026. Lãi suất hiện tại lên tới 15,75%/năm. Số tiền huy động dùng để đầu tư vào dự án 152 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP.HCM.
Một trường hợp đáng lưu ý khác đó là các lô trái phiếu của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land. Trong văn bản báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho hay vào ngày 24/3, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land đã thông báo về việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu mã H79CH2225002. Trong báo cáo của Hưng Thịnh Land, công ty cho hay, vẫn đang thương thảo với nhà đầu tư.
Theo dữ liệu báo cáo mới nhất tại HNX, Hưng Thịnh Land, thành viên chủ chốt của Tập đoàn Hưng Thịnh, dư nợ trái phiếu của Hưng Thịnh Land đến tháng 2/2025 còn hơn 15.300 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực vẫn là rất lớn với tập đoàn này.
Nhắc đến áp lực trái phiếu thì không thể bỏ qua Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, NVL), cái tên quen thuộc trong làng “khất nợ”. Gần nhất, vào đầu tháng 3 vừa qua, NVL thông báo chậm thanh toán gần 906 tỷ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu mã NVLH2123011.
Theo kế hoạch, ngày 3/3/2025, Novaland đến hạn thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu mã NVLH2123011 với tổng số tiền hơn 914,7 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hơn 842,2 tỷ đồng tiền gốc và gần 72,5 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, Novaland mới chỉ thanh toán được gần 8,8 tỷ đồng.
“Bom” nợ chực chờ nổ?
Theo giải trình trong thông báo gửi đến HNX, Novaland cho biết do doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn tiền nên dẫn tới việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Đồng thời, doanh nghiệp đang thương thảo với nhà đầu tư về việc thanh toán dư nợ của lô trái phiếu này.
Bên cạnh những tên tuổi phải “khất nợ”, không ít đại gia ngành địa ốc cũng đang phải ngồi lại với khách hàng để gia hạn trả nợ trái phiếu.
Những động thái gia hạn, khất nợ hàng chục lô trái phiếu với giá trị hàng vạn tỷ đồng của loạt doanh nghiệp bất động sản cho thấy áp lực nợ trái phiếu vẫn đang đè nặng ngành địa ốc.
Năm 2025, áp lực với các doanh nghiệp bất động sản chưa xử lý xong nợ trái phiếu sẽ còn lớn hơn nữa khi những khoản trái phiếu đã giãn hoãn theo Nghị định 08 hết hạn.
Theo VIS Rating, năm 2025 có khoảng 110 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản nhà ở sẽ đáo hạn. Trong đó, 31 nghìn tỷ đồng đã chậm trả gốc, lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.
Trong tổng số 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, VIS Rating ước tính 17% có rủi ro chậm trả nợ gốc (tương đương 38 nghìn tỷ đồng). 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng, tương đương gần 36 nghìn tỷ đồng.
VIS Rating cũng chỉ ra rằng 2/3 số chủ đầu tư đang niêm yết trên sàn chứng khoán có dòng tiền trả nợ yếu hoặc cực kỳ yếu, với dòng tiền hoạt động chiếm dưới 5% tổng nợ. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án.
Trước bối cảnh này, dự báo cho thấy khoảng 50% số trái phiếu đáo hạn của các chủ đầu tư vào năm 2025 có nguy cơ không thể thanh toán đúng hạn cả gốc lẫn lãi, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp vốn đã thường xuyên chậm trễ trong các kỳ thanh toán trước đó.
Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia từ VNDIRECT, cho biết tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2025 là khoảng 203.000 tỷ đồng tăng 8,5% so với cùng kỳ. Nhóm bất động sản sẽ là nhóm có giá trị đáo hạn lớn nhất năm với tổng giá trị đáo hạn là hơn 130.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025.
"Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn còn tiếp diễn. Do đó, áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản”, ông Khương cho hay.
Hưng Nguyên-Link gốc