Tổ hợp thép Dung Quất giai đoạn 1 có thể không đạt tới điểm hòa vốn
Báo cáo nhận định của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) về Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố mới đây đưa ra góc nhìn đáng chú ý về "yếu điểm" của Hòa Phát.
PHS dẫn thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam rằng sản lượng thép tiêu thụ toàn thị trường trong 2 tháng đầu của quý III có tín hiệu suy giảm. PHS cho rằng áp lực tới từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ tới ngành bất động sản có thể đang phản ánh lên ngành vật liệu xây dựng.
Theo PHS, mặc dù sản lượng của Hòa Phát tăng trưởng ổn định, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng thép xây dựng của có dấu hiệu chậm lại. Đặc biệt trong giai đoạn tháng 7, sản lượng sụt giảm mạnh do tập đoàn này chủ động đưa sản phẩm vào thị trường miền Nam nhằm gia tăng mở rộng thị phần.
"Điều này cho thấy thị phần phía bắc của Hòa Phát có khả năng đã bước vào giai đoạn bão hòa và Hòa Phát khó có thể tăng trưởng thị phần tại đây", PHS cho hay.
Công ty chứng khoán này cũng lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ít nhất cho tới hết năm 2019. Do đó, Hòa Phát có thể sẽ chịu tác động tới từ việc này.
Tuy nhiên, theo PHS, ngành thép vẫn được hưởng lợi từ chính sách tài khóa mở rộng với nhu cầu đầu tư công xây dựng hạ tầng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao.
Về tổ hợp thép Dung Quất, giai đoạn 1 của tổ hợp đi vào hoạt động từ tháng 2/2019 sẽ giúp Hòa Phát nâng cao năng lực sản xuất thêm 2 triệu tấn thép sản phẩm/năm, giúp tập đoàn này mở rộng thị trường không chỉ nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Giai đoạn 2 của tổ hợp này dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 9/2020 sẽ cung cấp 2 triệu tấn thep cán nóng HRC/năm, đây là sản phẩm trung gian của thép xây dựng. PHS kỳ vọng việc hoàn thiện và khép kín chuỗi của mình có thể giúp biên lợi nhuận của Hòa Phát có thể cải thiện từ 2-4%.
"Tuy vậy như chúng tôi đã đề cập, việc thị trường thép phát ra tín hiệu không mấy khả quan có thể sẽ ảnh hưởng tới Hòa Phát trong giai đoạn tổ hợp Dung Quất mới đi vào hoạt động với chi khí lớn, trong khi đó sản lượng có thể sẽ không đủ để đạt tới điểm hòa vốn trong giai đoạn đầu khi đi vào vận hành", PHS nhận định.
Cụ thể hơn, việc tổ hợp Dung Quất giai đoạn 1 mới đi vào hoạt động có thể sẽ khiến biên lợi nhuận của Hòa Phát co hẹp do chi phí khấu hao ban đầu lớn, cùng việc chưa hoạt động hết công suất dự kiến.
PHS đánh giá định hướng xuất khẩu có thể là hướng đi mới cho Hòa Phát khi thị trường trong nước gặp khó. Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy đây là thị trường đầy tiềm năng khi thép Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng.
"Tuy nhiên việc thép Việt liên tục chịu các vụ kiện bảo hộ, chống bán phá giá cũng là một áp lực không nhỏ đối với ngành thép Việt nói chung và Hòa Phát nói riêng", PHS nhấn mạnh.
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.