Quý II/2019, CTCP Xuân Hoà Việt Nam (UPCoM:
XHC) ghi nhận thu giảm 7% còn 100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần đạt 59 tỷ đồng. Kết quả này của Xuân Hòa đến từ sự đột biến của một nguồn thu quen thuộc: cổ tức lớn từ liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội.
Đại gia nội thất sống khỏe với nguồn thu liên doanh
Tiền thân là Xí nghiệp Xe đạp Xuân Hòa thuộc sở hữu Nhà nước, doanh nghiệp mang tên Công ty Xuân Hòa vào năm 1993. Công ty cổ phần hóa năm 2015 và chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch UPCoM từ ngày 3/11/2016.
Sau 36 năm phát triển, đến nay Xuân Hòa trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về tư vấn, thiết kế, sản xuất trang thiết bị nội thất. Một số dự án gắn liền với tên tuổi của công ty như phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc Hội, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô hay Bảo tàng Hà Nội…
Tuy nhiên dù sở hữu thương hiệu nội thất hàng đầu, hoạt động kinh doanh chính của Xuân Hòa vẫn còn khiêm tốn. Lợi nhuận gộp sau khi trừ đi các chi phí hoạt động đóng góp không quá lớn vào lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
Hoạt động chính đóng góp khiêm tốn vào lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính lại đóng góp tỷ lệ lớn hơn, trong đó phải kể đến khoản cổ tức lớn đến từ liên doanh Takanichi Việt Nam (nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội).
Lợi nhuận tài chính đóng góp tỷ trọng lớn.
Liên doanh Toyota Boshoku được thành lập năm 1996 do Xuân Hòa góp vốn cùng 2 công ty Nhật Bản khác. Theo đó, Xuân Hòa góp gần 590.000 USD (hơn 9,4 tỷ đồng thông qua quyền sử dụng đất) trong liên doanh, tương ứng với tỷ lệ 30%.
Toyota Boshoku Hà Nội đặt nhà máy tại Vĩnh Phúc là doanh nghiệp chuyên sản xuất nội thất ôtô. Năm 2018, công ty sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 400.000 bộ ghế ôtô các loại, đưa doanh thu của đơn vị đạt 2.600 tỷ đồng. Liên doanh này cung cấp 20% cho nội địa và 80% cho xuất khẩu sang Nhật.
Tương tự nhiều doanh nghiệp Nhà nước có liên doanh lớn khác như VEAM Corp, Satra, Bến Thành Group, SAMCO, Tân Thuận IPC… kết quả kinh doanh của Xuân Hòa bị phụ thuộc lớn vào hoạt động của liên doanh Toyota Boshoku; do đó ghi nhận lợi nhuận qua các kỳ thường thiếu ổn định.
Đầu năm 2019, Xuân Hòa nhận được nguồn cổ tức lớn trên 56 tỷ đồng từ Toyota Boshoku. Xuân Hòa nhận định tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất của liên doanh tốt bởi đặc thù là công ty thuộc chuỗi cung ứng trong hệ thống của Toyota toàn cầu nên mức độ phát triển vững chắc và ổn định.
Giá cổ phiếu tăng gấp đôi
Lên sàn từ năm 2016, cổ phiếu
XHC không thật sự được chú ý với thanh khoản bình quân vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Sự biến động giá cùng chiều với diễn biến lợi nhuận qua các năm.
Với lợi nhuận trước thuế kỷ lục 120 tỷ đồng năm 2017, cổ phiếu cũng bật tăng cao lên vùng 24.000 đồng/cp; sau đó điều chỉnh do kết quả thấp của năm 2018. Hiện tại, thị giá
XHC đã gấp đôi thời điểm đầu năm, đạt 26.300 đồng, tương đương vốn hóa thị trường hơn 550 tỷ đồng.
Nhờ lợi thế liên doanh Toyota Boshoku, Xuân Hòa được biết đến là doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức tiền mặt khá ổn định. Năm 2017, công ty xin nâng mức cổ tức từ 5% lên 27%. Năm 2018, Xuân Hòa đã chi trả 25% và sắp tạm ứng cổ tức 2019 tỷ lệ 30%.
Theo kế hoạch, Xuân Hòa Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 15% lên 544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 71,6 tỷ đồng, tăng 32% so năm 2018. Công ty cũng dự kiến mức cổ tức năm 2019 là 30%. Với kết quả 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đi được hơn 88% kế hoạch năm.
Xuân Hòa cũng có một số kế hoạch khác nhưng chưa thực hiện được trong năm 2018. Cụ thể, nội dung chuyển niêm yết cổ phiếu, sáp nhập công ty có cùng ngành nghề kinh doanh, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược chưa thực hiện được do chưa phù hợp. Công ty cho biết vẫn tiếp tục thực hiện khi phù hợp.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.