Sau hơn 2 tháng đi ngang quanh vùng giá 24.000-25.000 đồng/cp, cổ phiếu Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HoSE:
FTM) giảm sàn 14 phiên sàn liên tiếp, về 8.750 đồng/cp trong phiên ngày 4/9. Trước khi bất ngờ lao dốc, khối lượng giao dịch bình quân một năm qua của
FTM đạt gần 1 triệu đơn vị, tuy nhiên riêng phiên hôm nay, dư bán giá sàn lên đến 18,7 triệu đơn vị trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ 10 cổ phiếu.
Cổ phiếu
FTM vừa bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ theo thông báo vào ngày 16/8 (cổ phiếu bắt đầu giảm sàn từ 15/8) với lý do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng 2019 là số âm.
Đức Quân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác... Công ty có địa bàn kinh doanh ở miền Bắc, quản lý và khai thác 3 nhà máy sợi ở tình Thái Bình, năng lực sản xuất 18.000 tấn sợi/năm. Ngoài ra, công ty đang hoàn thiện nhà máy thứ 4 dự kiến cung cấp sản phẩm cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết sàn HoSE từ tháng 2/2017 với giá ngày giao dịch đầu tiên 16.000 đồng/cp. Hơn hai năm,
FTM hầu như đi ngang quanh vùng giá 15.000 đồng/cp và kể từ nửa cuối tháng 2 bắt đầu tăng mạnh lên trên 25.000 đồng/cp, cổ phiếu đạt mức giá cao nhất 25.200 đồng/cp vào phiên giao dịch 27/5.
Diễn biến cổ phiếu FTM kể từ khi niêm yết. Nguồn: VNDirect
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của công ty lại đi không tăng trưởng cùng chiều. Cụ thể, vào quý IV/2018, công ty kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ từ hoạt động kinh doanh 10,7 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận khác 10,8 tỷ mà có lãi ròng 38 triệu đồng.
Sang đến quý I và II năm nay, công ty xuất hiện các khoản lỗ lần lượt 14,3 tỷ và 16,6 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu công ty giảm 24% về 450 tỷ đồng; lỗ ròng 31 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm nên các chi phí của công ty cũng giảm ngoại trừ chi phí tài chính vẫn tăng 12,7% lên 33,7 tỷ đồng.
Đơn vị tính: tỷ đồng
Fortex lý giải Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm sản lượng và giá bán giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm của công ty chỉ đạt 3.855 tấn, giảm 27%. Giá bán cũng giảm khi cùng kỳ 2018 giá ổn định ở mức 3,03 USD/kg thì quý II năm nay giá biến động thất thường với giá bán cao nhất là 2,85 USD/kg và giảm dần xuống 2,58 USD/kg. Trong khi đó, giá bông nguyên liệu (chiếm 70% giá thành) không giảm tương ứng. Giá bông tồn kho cùng các đơn hàng đã đặt có đơn giá trung bình từ 1,96 USD/kg làm giá vốn không giảm mạnh được. Công ty cho biết đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm cũng như giá bông cuối quý giảm xuống 1,75 USD/kg cũng chỉ đủ đảm bảo lợi nhuận gộp ở mức dương.
Trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi thì chi phí tài chính lớn càng tạo áp lực lên kết quả của công ty. Nửa đầu năm, công ty phải trả chi phí lãi vay gần 33 tỷ đồng, tăng 20%. Tại thời điểm 30/6, công ty có nợ phải trả 1.178 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu, riêng tiền vay là 720 tỷ đồng.
Năm 2019, công ty đề ra kế hoạch sản lượng 18.238 tấn, doanh thu 1.225 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 220 triệu đồng.
Ngọc Điểm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.