Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, qua báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính nhận thấy khối lượng phát hành 4 tháng đầu năm 2020 bằng 98% cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, có 475 đợt đăng ký phát hành giá trị 106.657,9 tỷ đồng. Trong đó, số đợt phát hành là 435, tương ứng giá trị 70.099 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% khối lượng phát hành với lãi suất phát hành bình quân tăng và nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua TPDN.
Để hạn chế rủi ro, Bộ Tài chính khuyến nghị với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. Đồng thời, phải công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu, điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường và việc doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.
Đối với nhà đầu tư, cần phân biệt rõ phương thức phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Đối với phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu đồng thời công bố thông tin cho HNX mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.
Nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm và những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán,…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.
Theo đó, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/ tổ chức bảo lãnh, phân phối cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm (i) đơn vị phát hành, mục đích phát hành; (ii) thông tin về tài sản đảm bảo; (iii) cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu; (iv) kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; (v) tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.