VFCA kiến nghị nâng biên độ dao động giá trên HoSE từ 7% lên 10%, đồng thời nới tỷ lệ cho vay margin, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua thời kỳ non trẻ, ghi nhận nhiều sự thay đổi về chất sau hơn 20 năm phát triển.
VFCA kiến nghị nâng biên độ dao động giá trên HoSE, nới tỷ lệ cho vay margin
Trong báo cáo "Thực trạng và đề xuất phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023" công bố mới đây, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) nhận định trong khu vực Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá thấp trong khi Việt Nam là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Do đó, dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, việc hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên tích cực hơn trong nửa cuối năm cũng giúp định giá P/E của thị trường chứng khoán tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, sự nâng cấp về hệ thống công nghệ, bộ máy quản lý và hành lang pháp lý trong thời gian qua cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp thu hút dòng tiền hướng đến thị trường chứng khoán.
"Trong bối cảnh nền kinh tế và quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đều đang phát triển mạnh, VN-Index dự kiến sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh tích cực khi sự bùng nổ của thị trường tiếp tục duy trì, VN-Index hoàn toàn có thể chinh phục mốc 1.800 điểm", VFCA nêu dự báo lạc quan.
Đáng chú ý, VFCA đưa ra nhiều kiến nghị nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023.
Đầu tiên là kiến nghị nâng biên độ dao động của cổ phiếu trên sàn HoSE từ 7% lên đến 10%.
Hiệp hội này cho rằng thông thường các nước mới phát triển thị trường chứng khoán do còn non trẻ, mức độ minh bạch chưa cao, chưa có được sự ổn định và chặt chẽ để các cá nhân, tổ chức lợi dụng làm giá chứng khoán. Vì vậy, việc giới hạn biên độ dao động sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ còn yếu về kiến thức, thiếu thông tin hỗ trợ.
Tuy nhiên, hiện nay sau 20 năm hoạt động và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi về chất, ngày càng trở nên minh bạch, rõ ràng hơn. Đặc biệt, Luật chứng khoán 2019 ra đời và được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2021 đã thể chế hóa và hoàn thiện cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán rất nhiều. Theo đó, sự minh bạch, rõ ràng, ổn định đã được nâng lên một tầm cao mới giúp thị trường chứng khoán tiến thêm một bước gần hơn nữa cho việc nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và hội nhập quốc tế.
"Trên cơ sở sự phát triển theo hướng minh bạch và quốc tế hóa của thị trường chứng khoán, sự nâng cấp về kiến thức, kinh nghiệm và bằng cấp của nhà đầu tư thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần có một lộ trình nâng dần biện độ dao động của thị trường lên tiến gần với chuẩn mực của thế giới. Trước mắt, trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể xem xét việc nâng biên độ dao động của sàn HoSE từ 7% lên thành 10% ngang với sàn HNX và ngang bằng với mức biến động của sàn chứng khoán Trung Quốc", VFCA đề xuất.
Kiến nghị thứ hai là thúc đẩy việc đưa hệ thống tiêu chuẩn quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo VFCA, mục tiêu của Chính phủ là đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, do đó buộc phải đẩy mạnh công cuộc thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
"Một trong những trở ngại lớn nhất để thu hút dòng vốn nước ngoài là sự khác biệt của thị trường Việt Nam so với các tiêu chuẩn quốc tế như: bất đồng ngôn ngữ, khác biệt của chuẩn mực kế toán… Các vấn đề trong việc chuẩn hóa thị trường chứng khoán tạo nên trở ngại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như khiến tiến trình xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam trở nên khó khăn. Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên đẩy mạnh việc chuẩn hóa như: tiến hành áp dụng chuẩn song ngữ cho nền tảng giao dịch và công bố thông tin; công bố báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS)…", hiệp hội cho hay.
Thứ ba, VFCA kiến nghị nới giới hạn sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài ở nhóm ngành năng lượng và ngân hàng.
Nới trần cho nhà đầu tư nước ngoài được MSCI đánh giá là một trong những yếu tố tiên quyết để thị trường Việt Nam được xem xét để nâng hạng thị trường. Ở Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua và sở hữu doanh nghiệp trong nước. Tuy vậy trong một số lĩnh vực đặc biệt như năng lượng và ngân hàng, Chính phủ đưa ra các quy định yêu cầu giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân của quy định này được đưa ra nhằm bảo vệ các ngành kinh tế trọng yếu của nước nhà.
Đối với ngành năng lượng, đây là một trong những ngành huyết mạch của quốc gia, việc cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các doanh nghiệp năng lượng rất có thể đe dọa đến an ninh năng lượng. Đơn cử như ngành xăng dầu hiện nay theo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã nêu rõ nhà đầu tư nước ngoài không được có quá 35% cổ phần. Đối với ngành ngân hàng, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP đã quy định sở hữu nước ngoài tại ngành này tối đa dưới mức 30%. Quy định này được tạo ra để ngăn không cho các tổ chức quốc tế lũng đoạn thị trường ngân hàng Việt Nam.
"Trên cơ sở hội nhập, hướng Việt Nam theo dần các tiêu chuẩn quốc tế cũng như đạt được mục tiêu tăng hạng thì Chính phủ cần có lộ trình nghiên cứu để dần nới room cho nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 50% ở nhóm ngành năng lượng và tài chính. Mặt khác, để bảo đảm mục tiêu của Nhà nước về an ninh năng lượng và tránh việc lũng đoạn thị trường tài chính thì tăng tỷ lệ sở hữu nhưng vẫn giới hạn quyền biểu quyết theo quy định hiện tại, sẽ tránh được sự thao túng của nhà đầu nước ngoài trong những lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế", VFCA hiến kế.
Kiến nghị thứ tư được VFCA đưa ra là nâng tỷ lệ cho vay margin trên thị trường chứng khoán.
VFCA cho hay thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 20 năm phát triển và trưởng thành, đã có sự tăng trưởng vượt bậc về mặt quy mô và thanh khoản. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tham gia thị trường cũng đã có sự thay đổi về chất, được trang bị kiến thức, công cụ giao dịch tốt hơn. Điều này đã giúp nhà đầu tư cá nhân quản trị rủi ro tài khoản và tận dụng các đòn bẩy tài chính tốt hơn.
Hiệp hội này nhấn mạnh nhu cầu vay margin của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hiện nay là rất lớn. Do đó, việc nâng tỷ lệ cho vay margin từ 50% lên 70% (tức là giảm tỷ lệ ký quỹ từ 50% xuống 30%) sẽ giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn và giúp các công ty chứng khoán giải phóng nguồn lực.