Sự tham gia của các “ông lớn” khối tư nhân vào lĩnh vực giáo dục trong thời gian gần đây giúp bất động sản giáo dục ngày càng được giới đầu tư quan tâm, và trở thành “con gà đẻ trứng vàng” đầy tiềm năng.
Đầu tư bất động sản giáo dục bùng nổ
Là đất nước có truyền thống hiếu học với hơn 98 triệu dân, trong đó người trong độ tuổi đi học chiếm tỷ trọng cao, nhu cầu giáo dục tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Đây là cơ sở để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục, thậm chí được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng.
Sự tham gia của các doanh nghiệp đã thay đổi đáng kể diện mạo của giáo dục Việt Nam. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều tập đoàn đầu tư xây dựng các trường đại học quy mô lớn, và việc quản lý, vận hành bất động sản giáo dục theo đó cũng được chú trọng hơn. Điều này kéo theo nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng giáo dục nói chung, bất động sản giáo dục (BĐSGD) nói riêng.
Những "ông lớn" BĐS nhờ có lợi thế về tài chính, thương hiệu, quỹ đất là những người đi tiên phong trong việc phát triển phân khúc BĐSGD.
Đơn cử, Vingroup với hệ thống Vinschool với 43 cơ sở tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa...; và dự án trường đại học VinUni với tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng.
Trước đó, Vihajico, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark, đã rất thành công khi đầu tư xây dựng hạ tầng giáo dục gồm: trường mầm non, trường liên cấp và trường đại học tiêu chuẩn quốc tế.
Những dự án BĐSGD đã và đang mang về khoản lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp đầu tư trong dài hạn. Nhìn thấy tiềm năng đó, không chỉ doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp “tay ngang” sốt sắng đầu tư vào phân khúc này.
Đơn cử, tập đoàn
FPT với hệ thống trường đại học
FPT tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Tập đoàn TH với THSchool, mô hình giáo dục liên thông từ mầm non đến Đại học, Cao đẳng và Dạy nghề. Gần đây,
FPT dự kiến trong năm 2022 sẽ khởi công khu tổ hợp giáo dục tại Hà Nam, dự án sẽ đi vào hoạt động 1 năm sau.
Theo báo cáo thường niên 2021 của
FPT, mảng giáo dục đã mang lại cho tập đoàn này khoản doanh thu 3.087 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.
Một góc trường ĐH FPT Đà Nẵng
Bùng nổ nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Tốc độ xây dựng trường học không thể theo kịp với tốc độ mọc lên như nấm của các dự án nhà ở. Có nhiều nguyên nhân giải thích sự không đồng đều này.
Để tích hợp trường học trong dự án cần có quỹ đất và nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng không mang lại lợi nhuận “ngay và luôn” như xây dựng nhà ở. Cá biệt, có những dự án trường học xanh ước tính phải mất khoảng 12 năm để hoàn vốn. Cho nên ở nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng nhà mà “ngó lơ” việc xây dựng trường học và các tiện ích đi kèm như đã hứa hẹn.
Ngoài ra, BĐSGD có đặc thù riêng trong việc quản lý và vận hành. Theo chuyên gia tại Savills, việc quản lý BĐSGD, cơ sở vật chất phức tạp hơn đối với các dự án văn phòng, thương mại. Trong đó bao gồm quản lý cả căng tin, phòng thí nghiệm, lớp học, ký túc xá, hệ thống nguồn điện, nhân sự… phải duy trì ổn định để phục vụ và đảm bảo chất lượng công tác giảng dạy của trường.
Điều này nằm ngoài khả năng của một số chủ đầu tư dẫn đến tình trạng chậm trễ, lần lữa không triển khai xây dựng; hoặc xây xong phải bán cho các doanh nghiệp quản lý giáo dục.
Bên cạnh đó, ở một số dự án nhà ở khác, sau khi xây dựng xong không có người đến ở dẫn đến những hạng mục đi kèm, trong đó có trường học, không được sử dụng, bị bỏ hoang, làm lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều khu đô thị “vắng bóng” trường học
Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng
Hơn 2 năm gần như “đóng băng” vì Covid-19, các dự án BĐSGD, trường học gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây chỉ là sự chững lại tạm thời vì phân khúc BĐSGD được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Nhu cầu về nhà ở tăng cao kéo theo nhu cầu về BĐSGD. Người dân có con trong độ tuổi đến trường, khi dọn đến nơi ở mới, rất quan tâm đến chuyện học hành của con em mình.
Cho nên, ngoài những ưu thế về vị trí, cảnh quan, giá thành... thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng giáo dục là yếu tố quan trọng giúp chủ đầu tư các dự án khu đô thị thu hút khách hàng, gia tăng giá trị các sản phẩm BĐS.
Ngoài ra, nhìn từ thực tế, dân số Việt Nam trong độ tuổi đi học chiếm tỉ trọng lớn và đang tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, số lượng trường học hiện hữu chưa đáp ứng được nhu cầu này.
Do vậy, đầu tư xây dựng các dự án BĐSGD giúp giải quyết nhu cầu trường học cho một bộ phận lớn người dân dân, vừa tạo giá trị cho cộng đồng, vừa mang lại nguồn thu lớn cho chủ đầu tư trong dài hạn.