Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh Bắc Ninh ước đạt 134.810 tỷ đồng, âm 6,18% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là điều chưa từng có trong hàng thập kỷ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh.
Theo số liệu được nêu trong báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế xã hội năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh này ước đạt 134.810 tỷ đồng, âm 6,18% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là điều chưa từng có trong hàng thập kỷ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Số liệu tăng trưởng của năm 2023 còn kém lạc quan hơn thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hai năm 2020 và 2021, Bắc Ninh vẫn đạt kết quả tăng trưởng dương.
Theo bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, mức âm này là không nhiều. Nhưng đây là tín hiệu khác thường bởi những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh - thủ phủ công nghiệp miền Bắc - luôn giữ đà tăng trưởng dương.
Cụ thể, tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2017 đạt 19,12%, năm 2018 đạt 10,6%, năm 2019 đạt 1,1%, năm 2020 đạt 1,36%, năm 2021 đạt 6,9%, năm 2022 đạt 7,39%.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng đối diện với nhiều số liệu kém vui khác. Đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 78,9% kế hoạch; Thu ngân sách nhà nước đạt 88,4% dự toán; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn kế hoạch 0,6%…
Số lao động mất việc, giảm giờ làm tăng và chỉ số sử dụng lao động giảm 7,45%. "Năm 2023 giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 12.000 lao động, tăng 4,3% so với năm 2022", báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh cho thấy.
Đánh giá nguyên nhân khách quan dẫn đến thực trạng này, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo.
Đánh giá nguyên nhân chủ quan, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian.
Ngoài ra, báo cáo chỉ rõ nguyên nhân thiếu chủ động trong tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và các biện pháp, giải pháp có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, hồi đầu năm nay tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên địa bàn năm 2023 đạt 6,5-7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh năm nay âm là do xuất khẩu của Samsung giảm sâu. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh rơi vào tăng trưởng âm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, với xu hướng hiện nay sẽ có 5-6 tỉnh tăng trưởng âm trong năm nay.
Bên cạnh các tỉnh có tăng trưởng kinh tế âm, vẫn có một vài địa phương có tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong 10 tháng của năm nay, xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện (phần lớn do Samsung xuất khẩu) đạt khoảng 44,02 tỷ USD, bằng 87,4% cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 70 triệu đồng/người, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 65,7 ngàn tỷ đồng, thu hút mới vốn FDI đạt 1,4 tỷ USD, các chỉ tiêu này đều vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại tỉnh Bắc Ninh thừa nhận có nhiều chỉ tiêu khó đạt được, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 73,6 tỷ USD, trong khi mục tiêu 93,2 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm nay ước đạt 40,3 tỷ USD, trong khi mục tiêu 50,8 tỷ USD.
PV