Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ba động lực của nền kinh tế gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đang phục hồi ngày càng rõ nét. Nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 10. (Ảnh: Báo Chính phủ).
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, trong đó xu hướng phục hồi của cả ba động lực chính, gồm đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đang ngày càng rõ nét.
Vị bộ trưởng nhấn mạnh, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Ông nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 3,2%, trong khi thị trường tiền tệ cơ bản ổn định.
Cũng theo ông Dũng, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước (51,34%).
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn.
Đáng chú ý, cuối tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại KCNC Hòa Lạc, thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong ba năm 2023 - 2025.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn và hạn chế. Ông nói sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.
Ngoài ra, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả, những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô.
Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời tình huống phát sinh, ông cho hay.
Vị bộ trưởng cũng lưu ý rằng đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn và thiên tai diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội.
"Khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo sức ép lớn lên công tác quản lý, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tỉ giá, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội... ", ông bày tỏ.
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, từ đó triển khai nhanh, hiệu quả ngay sau khi được ban hành.
Bộ cũng kiến nghị các cơ quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2023.
Ông Nguyễn Chí Dũng đề cập đến 5 chỉ tiêu quan trọng gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.
Ngoài ra, bộ kiến nghị các bên tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, cũng như huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh