• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,53 -3,56/-0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,53   -3,56/-0,29%  |   HNX-INDEX   220,67   -1,01/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   93,08   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.309,72   -5,09/-0,39%  |   HNX30   459,01   -2,79/-0,60%
22 Tháng Giêng 2025 3:52:11 CH - Mở cửa
Thử thách cực đại cho ngành nông lâm nghiệp Malaysia
Nguồn tin: VietNam+ | 07/12/2023 7:50:00 CH
Các mặt hàng chính của Malaysia đã gặp phải sự sụt giảm mạnh vào năm 2023, dù đồng nội tệ ringgit (RM) yếu hơn trước sự thâm hụt nhu cầu do những bất ổn kinh tế toàn cầu.
 
 
Thực trạng ảm đạm này là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và vấn đề thiếu lao động, dẫn đến sản lượng thấp hơn ở cả 4 mặt hàng chính gồm dầu cọ, cao su, ca cao và hạt tiêu.
 
Chính phủ Malaysia đã đưa ra các đảm bảo giải quyết vấn đề thiếu lao động cho các ngành sử dụng nhiều lao động nói chung và các đồn điền nói riêng. Theo đó, nguồn cung lao động đầy đủ sẽ giúp thúc đẩy sản xuất tại khu vực đồn điền, đặc biệt với những người trồng cọ dầu, đồng thời kỳ vọng đồng RM tăng giá sẽ làm tăng doanh thu xuất khẩu của ngành.
 
Từ tháng 1 – 9/2023, ngành nông nghiệp Malaysia đã ghi nhận giá trị xuất khẩu là 117 tỷ RM (khoảng 25 tỷ USD) so với 160,6 tỷ RM cùng kỳ năm 2022.
 
*Dầu cọ
 
Thiếu lao động vẫn là thách thức lớn đối với ngành dầu cọ. Năm 2023 đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp ngành dầu cọ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động do phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài, đặc biệt là khâu thu hoạch.
 
Việc đóng cửa biên giới trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh năm 2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế đi lại giữa các quốc gia đã khiến tình hình thêm căng thẳng.
 
Báo cáo của các công ty trồng rừng cho thấy đang thiếu gần 42.000 lao động liên quan tới các hoạt động thu hoạch tại chỗ, ghi nhận mức thiếu hụt cao nhất, chiếm khoảng 55% tổng số thiếu hụt lao động và khiến chính phủ thất thu hàng tỷ RM.
 
Năm 2022, lĩnh vực này thiếu 63.000 lao động nước ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chính phủ đã thiệt hại khoảng 20 tỷ RM doanh thu.
 
Tuy nhiên, Bộ Đồn điền và Hàng hóa đã đảm bảo rằng vấn đề thiếu lao động sẽ được giải quyết triệt để vào năm 2024, đồng thời khuyến khích các công ty và hộ sản xuất nhỏ áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa để giảm dần sự phụ thuộc của ngành vào lao động nước ngoài.
 
Tháng 3/2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Đồn điền và Hàng hóa Fadillah Yusof cho biết, khoảng 80% vấn đề thiếu lao động ở các đồn điền cọ dầu đã được giải quyết.
 
Để bảo vệ lợi ích của ngành dầu cọ, Phó Thủ tướng Fadillah bắt đầu làm việc với các cơ quan quản lý ngành như Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) và các bên liên quan để quảng bá dầu cọ Malaysia và chống lại các hành vi thương mại phân biệt đối xử đối với loại cây trồng này.
 
Tháng 5/2023, ông đã cùng các quan chức Indonesia tới Brussels để thảo luận với các nhà lãnh đạo hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) về quan điểm của Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) trong thực hiện Quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Tiếp đó là chuyến đi tới London và tổ chức các cuộc họp với một số bộ trưởng phụ trách nông nghiệp của Vương quốc Anh.
 
Các chuyến thăm đã nhận được phản ứng tích cực từ lãnh đạo Ủy ban châu Âu với kết quả là EU dự kiến sẽ công nhận chứng nhận Dầu cọ bền vững của Malaysia (MSPO).
 
Chương trình chứng nhận MSPO là chương trình quốc gia ở Malaysia dành cho các đồn điền cọ dầu, các trang trại nhỏ độc lập và có tổ chức cũng như các cơ sở chế biến dầu cọ.
 
Tính đến tháng 9/2023, diện tích đất được chứng nhận MSPO chiếm khoảng 95% tổng diện tích trồng cọ dầu.
 
Ngay sau đó, một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Jakarta vào tháng 8/2023. Malaysia cũng dự kiến sẽ chủ trì cuộc họp thứ hai của lực lượng này vào giữa tháng 01/2024.
 
Cuộc họp nhằm tìm giải pháp để EUDR phải xem xét quan điểm của các nước sản xuất và thảo luận về tác động của quy định đối với các nước sản xuất, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ và các hướng dẫn thực hiện EUDR.
 
Bộ trưởng Malaysia cũng dẫn đầu phái đoàn nước này đến Kenya vào tháng 7/2023 để tìm hiểu xu hướng và tiềm năng tăng trưởng của dầu cọ tại thị trường Đông Phi, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương giữa Malaysia và Kenya trong ngành.
 
Trong chuyến công tác dầu cọ thứ ba và cũng là cuối cùng của năm 2023, ông Fadillah đã đến Thượng Hải và Bắc Kinh vào tháng 11/2023 để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, cũng như nâng cao năng lực trong lĩnh vực hàng hóa, đặc biệt là thúc đẩy chứng nhận MSPO chương trình ở cấp độ toàn cầu.
 
Với dân số khoảng 1,4 tỷ dân, Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu cọ lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, đã cam kết tăng nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia lên 3,4 triệu tấn vào năm 2024 so với mức ước tính 3,14 triệu tấn hiện tại.
 
Sứ mệnh dầu cọ của Bộ trưởng Fadillah năm 2023 về cơ bản bao gồm thị trường truyền thống của Malaysia - Trung Quốc và EU, đồng thời mở rộng và khám phá các cơ hội kinh doanh tiềm năng mới trong lĩnh vực dầu cọ giữa Malaysia và Kenya.
 
Bộ này cũng đang đặt mục tiêu mở rộng thị trường dầu cọ của Malaysia tại Ấn Độ, Ai Cập, các nước Arab khác và các nước khác ở châu Phi vào năm 2024.
 
*Sản xuất, giá CPO thấp hơn
 
Dựa trên dữ liệu của Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB), sản lượng dầu cọ thô (CPO) của nước này trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. sản lượng CPO quốc gia ước tính là 13,28 triệu tấn, thấp hơn 0,5% so với 13,34 triệu tấn cùng kỳ năm 2022.
 
Dựa trên số liệu mới nhất, giá CPO được giao dịch thấp hơn 27,1% xuống còn 3.835,50 RM/tấn từ tháng 1 – 10/2023 so với 5.264,50 RM/tấn cùng kỳ năm 2022, với mức giá giao dịch cao nhất và thấp nhất ở mức lần lượt là 4.217,50 RM/tấn trong tháng 4 và 3.640 RM/tấn trong tháng 10.
 
Tuy nhiên, triển vọng của ngành dầu cọ Malaysia vào năm 2024 dự kiến sẽ tích cực hơn xét về nguồn cung sẵn có. Về nhu cầu, thị trường toàn cầu dự kiến vẫn không chắc chắn do lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Tại Hội nghị và Triển lãm Dầu cọ Quốc tế của MPOB gần đây, các chuyên gia trong ngành đã chia sẻ quan điểm rằng, CPO Malaysia dự kiến sẽ giao dịch trong khoảng từ 4.000 RM/tấn đến 4.200 RM/tấn vào năm 2024 do ảnh hưởng của diễn biến thời tiết, rủi ro địa chính trị, chính sách của chính phủ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
 
Malaysia ghi nhận giá trị xuất khẩu dầu cọ là 40,51 tỷ RM với số lượng xuất khẩu là 9,66 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 – 8/2023.
 
*Cao su
 
Ngành cao su chứng kiến sản lượng sụt giảm do hiện tượng El Nino, mùa đông và gió mùa Đông Bắc. Ngoài yếu tố tự nhiên, giá giảm, thiếu máy cạo mủ cao su và sự lây lan của bệnh rụng lá Pestalotiopsis vẫn là những yếu tố chi phối ngành trong năm 2023.
 
Ủy ban Cao su Malaysia (MRB) cho biết mức giá tại các trang trại đã dao động dưới 250 sen/kg trong 3 quý liên tiếp khiến hoạt động khai thác không còn hấp dẫn đối với các hộ sản xuất nhỏ. Giá cao su tự nhiên thấp hơn đã khiến thu nhập hàng tháng của các hộ sản xuất nhỏ giảm xuống dưới mức thu nhập chuẩn nghèo quốc gia và dẫn đến hơn 400.000 ha diện tích cao su bị bỏ hoang.
 
Theo MRB, lĩnh vực hạ nguồn là khu vực đóng góp chính cho ngành cao su xét về thu nhập xuất khẩu và hậu đại dịch đã trở thành giai đoạn thách thức nhất đối với các nhà sản xuất găng tay, sau khi có nhu cầu quá lớn và doanh số bán hàng vượt trội trong thời kỳ đỉnh cao của COVID-19.
 
Vấn đề cung vượt cầu đã gây áp lực lên giá bán và làm sụt giảm đáng kể trong thu nhập xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường sản xuất găng tay, nhanh chóng giành được thị phần và trở thành một thách thức khác đối với ngành sản xuất găng tay Malaysia.
 
Bên cạnh những vấn đề trên, căng thẳng địa chính trị, bao gồm cả những căng thẳng liên quan đến Nga, Trung Đông và Trung Quốc, có thể gây ra tác động tiêu cực tới thị trường toàn cầu, trong đó có ngành cao su Malaysia.
 
Dựa trên thông báo về Ngân sách 2024, Chính phủ Malaysia đã nhất trí tăng Mức giá kích hoạt (PHP) của chương trình Khuyến khích sản xuất cao su (IPG) lên 3,00 RM/kg với mức phân bổ ngân sách 400 triệu RM.
Thông qua việc triển khai IPG, các hộ sản xuất nhỏ sẽ nhận được giá cao su ở cấp trang trại (hàm lượng cao su khô 50%) mức giá 3 RM/kg cuplump được bán.
 
Ngày 23/10, Bộ trưởng Đồn điền và Hàng hóa Fadillah Yusoff cũng đã khởi động Dự án thí điểm mô hình mới về khuyến khích sản xuất mủ cao su với nhiều ưu tiên và ưu đãi hấp dẫn hơn dành cho nông dân trồng cao su quy mô nhỏ để tăng thu nhập và sản xuất mủ cao su của đất nước.
 
Ước tính, sản lượng cao su tự nhiên năm 2023 đạt khoảng 330.000 - 350.000 tấn, chỉ bằng 50% so với sản lượng sản xuất 4 năm trước. Sản lượng cao su trong giai đoạn từ tháng 1-8/2023 lên tới 221.143 tấn, giảm 30.045 tấn, tương đương 12% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Giá trung bình của Cao su tiêu chuẩn Malaysia (SMR) 20 từ tháng 1 – 10/2023 là 612,50 sen/kg, thấp hơn 74,88 sen/kg, tương đương 10,9% so với 687,38 sen/kg trong cùng kỳ năm 2022. Giá mủ trung bình bán rời trong cùng kỳ là 502,75 sen/kg, thấp hơn 83,77 sen/kg hay 14,2% so với 586,52 sen/kg cùng kỳ năm 2022.
 
MRB nhận định rằng một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng giảm là hiệu quả hoạt động không chắc chắn của dữ liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đồng RM suy yếu so với đồng USD đã giúp hạn chế những tổn thất tiếp theo trên thị trường cao su.
 
Về triển vọng, sản lượng cao su năm 2024 được dự đoán sẽ đạt 50.000-370.000 tấn, cao hơn mức sản lượng năm 2023, do được hỗ trợ bởi một số sáng kiến và dự án hàng đầu sẽ được thực hiện vào năm 2024.
 
Do đó, ngành công nghiệp cao su của Malaysia có khả năng phục hồi trở lại vào năm 2024 với thu nhập xuất khẩu hơn 40 tỷ RM so với ước tính 37 tỷ RM vào năm 2023.
 
 
 
*Ca cao
 
Theo Ủy ban Ca cao Malaysia (MCB), phân khúc thượng nguồn của ngành ca cao đang suy giảm do năng suất thấp và diện tích giảm. Tuy nhiên, sự quan tâm đến việc trồng ca cao đang tăng lên trong năm 2023 với sự gia tăng của các nhà sản xuất chocolate (sô-cô-la) thủ công và xu hướng “bean-to-bar” (sản phẩm sạch với quy trình sản xuất an toàn từ khâu thu hái).
 
Tổng giám đốc MCB, Tiến sĩ Ramle Kasin cho rằng, năm 2023 cần tập trung vào lĩnh vực hạ nguồn ca cao cũng như các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và mở rộng sang các thị trường mới.
 
Từ tháng 1–9/2023, Malaysia có phạm vi phủ sóng thị trường rộng khắp lên tới 200 điểm đến trên toàn thế giới. Thu nhập xuất khẩu ca cao và các sản phẩm ca cao đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,5% lên 5,80 tỷ RM so với cùng kỳ năm 2022. Dựa trên kết quả hoạt động hiện tại, ngành ca cao của Malaysia sẽ tiếp tục phát triển và thu nhập từ xuất khẩu ca cao dự kiến sẽ đạt 8 tỷ RM vào năm 2024.
 
*Hạt tiêu
 
Đối với hạt tiêu, sự mất cân đối cung cầu đang là thách thức mà “ông vua gia vị” này phải đối mặt.
 
Bộ trưởng Fadillah cho rằng sự chênh lệch đã gây áp lực đáng kể lên giá cả và việc trồng tiêu ở nhiều vùng khác nhau. Ông dẫn giải rằng Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã ước tính thế giới tiêu thụ khoảng 213.000 tấn tiêu vào năm 2022, cho thấy nhu cầu giảm nhẹ so với năm 2021, với mức tiêu thụ là 224.000 tấn. Sự suy giảm này phần lớn có thể là do sự phục hồi sau đại dịch và những điều chỉnh nhu cầu cần thiết.
 
Tính đến tháng 8/2023, Malaysia ghi nhận tổng giá trị xuất khẩu hạt tiêu đạt 96 triệu RM. Malaysia hiện là nhà sản xuất hạt tiêu lớn thứ 5 thế giới với 32.724 tấn.
 
Hiện có 38.587 hộ trồng tiêu nhỏ ở Malaysia với tổng diện tích trồng tiêu là 8.091 ha và chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu sang Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
 
Năm 2024, Bộ Đồn điền và Hàng hóa Malaysia đang đặt mục tiêu tăng xuất khẩu hạt tiêu bằng cách giới thiệu công nghệ mới cho nông dân và cải thiện năng suất. Bộ này cũng kêu gọi những người Malaysia sáng tạo, đặc biệt là giới trẻ, tạo ra nhiều sản phẩm hạ nguồn sử dụng hạt tiêu để đáp ứng nhu cầu thị trường khác nhau bao gồm các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, dinh dưỡng và làm đẹp.