Từ đầu năm đến nay, giá điện đã 2 lần được điều chỉnh tăng, lần lượt là 3% và 4,5%, với tổng mức tăng thêm tương đương là 142,35 đồng/kWh. Điều này đã tạo thêm sức ép đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Công ty CP TORI Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công 1) thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm điện.
Từ thực tế có thể thấy, việc giá điện tăng trong thời điểm suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp càng thêm lo lắng. Như tại Công ty CP TORI Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công I), với đặc thù chuyên sản xuất khuôn dập nóng và thiết bị cầm tay để cung cấp cho các nhà máy cơ khí trên địa bàn tỉnh, đơn vị sử dụng lượng điện với số tiền phải thanh toán khoảng 120-130 triệu đồng/tháng, tương đương 10% chi phí sản xuất.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP TORI Việt Nam, chia sẻ: Chúng tôi đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thị trường do lượng đơn hàng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Để duy trì sản xuất, chúng tôi chấp nhận cả những đơn hàng nhỏ, lãi suất thấp, thậm chí không có lãi nhằm tạo việc làm và giữ chân công nhân. Để ứng phó với giá điện tăng, Công ty thực hiện tiết kiệm tối đa bằng cách tập trung sản xuất trong khung giờ thấp điểm (khung giờ này giá bán điện thấp hơn); đồng thời ưu tiên đầu tư cải tiến máy móc, thay thế các thiết bị cũ, tiêu tốn nhiều điện năng...
Đối với Công ty TNHH TTJ (ở phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên), tình hình sản xuất - kinh doanh có phần khả quan hơn, do sản phẩm chủ lực là máy nông nghiệp xuất khẩu sang thị trường Canada duy trì được lượng đơn hàng ổn định. Công ty hiện có 70 nhân công, luân phiên làm việc liên tục 3 ca trong ngày.
“Điện tăng giá nhưng chúng tôi không thể tắt bớt thiết bị máy móc hoặc quạt thông gió, vì như vậy sẻ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, thiệt hại thậm chí còn nhiều hơn” - anh Đào Duy Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH TTJ, phân tích. Để tiết giảm chi phí tiền điện, giải pháp được Công ty đưa ra là tập trung cải tiến máy móc để nâng cao hiệu suất, thay thế các thiết bị tiêu hao điện năng cao; xây dựng quy chế tiết kiệm điện và tuyên truyền, phổ biến để người lao động cùng thực hiện. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tính toán đến phương án đầu tư hệ thống điện áp mái để chủ động một phần nguồn cung điện.
Đối với các cơ sở sản xuất, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, việc điều chỉnh tăng giá điện không chỉ làm tăng số tiền điện phải thanh toán mà còn tạo ra hiệu ứng tăng các chi phí như nguyên liệu đầu vào và vận chuyển. Giá thành sản phẩm tăng khiến khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng bị ảnh hưởng. Theo đánh giá, chi phí điện chiếm khoảng 10-15% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Với việc giá điện được điều chỉnh tăng 2 lần trong năm 2023, chi phí thành phẩm sẽ tăng 1-2%.
Để ứng phó với giá điện tăng, mỗi cơ sở sản xuất buộc phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu dây chuyền để vận hành tiết kiệm; đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như điện mặt trời).
Theo ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp, giá điện tăng là yêu cầu tất yếu, nhưng điều quan trọng là nguồn cung cấp điện phải ổn định. Nếu như xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt luân phiên thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành Điện cũng cần tính toán khung giá điện trong ngày, giữ thời gian cao điểm và thấp điểm một cách hợp lý để các cơ sở bố trí sản xuất phù hợp, hiệu quả...