• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 6:24:03 SA - Mở cửa
Cần một “ngã rẽ” để khơi thông thị trường mua bán nợ xấu
Nguồn tin: Báo Hải quan | 26/05/2023 9:15:00 CH
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tỷ lệ này được các chuyên gia dự báo còn tiếp tục tăng khi thị trường mua bán nợ xấu vẫn ở “vạch xuất phát”.
 
 
Thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Ảnh: ST
 
Hoạt động mua bán nợ “èo uột”
 
Kết quả từ báo cáo tài chính quý 1/2023 của 27 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, nhiều ngân hàng tăng mạnh về nợ xấu lên tới 50-80%, trong đó có ngân hàng giữ tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên tới gần 23%. Trong báo cáo NHNN gửi Quốc hội, nợ xấu nội bảng đang được kiểm soát dưới 3%, nhưng nếu tính gộp tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
 
Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank):
 
 
Ông Huỳnh Thanh Phong.
 
Tiếp tục tạo hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu
 
Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, trong đó giúp duy trì, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.
 
Tuy nhiên, các quy định cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ nhóm 2 nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho TCTD. Các quy định cũng cần cụ thể hóa trong dự thảo các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện, cần hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp… để TCTD được chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý.
 
Ông Phạm Văn Phòng, Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Quân đội (MB):
 
 
Ông Phạm Văn Phòng.
 
Cần hướng dẫn về định giá khoản nợ
 
Hiện nay về mặt thị trường mua bán nợ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về mặt định giá tài sản đảm bảo và định giá doanh nghiệp song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng ngân hàng không dám. Hơn nữa, việc tự định giá khoản nợ như này cũng không đúng được, không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường. Thậm chí ngân hàng có những khoản nợ bán đến 30 phiên nhưng không có khách quan tâm, liên quan đến bài toán bán đấu giá bán nợ. Bán đấu giá nợ là biện pháp ưu tiên cuối cùng khi các biện pháp khác không xong.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Hơn nữa, chất lượng tài sản suy giảm, song vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Cùng với đó, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
 
Trong bối cảnh nêu trên, các chuyên gia cho rằng, nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ.
 
Do vậy, Chính phủ đang trình Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và sẽ được đưa vào chương trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV này, trong đó dự án luật sẽ bổ sung thêm một chương về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn lo ngại việc xử lý nợ xấu chưa khả quan, khi dự thảo vẫn tập trung vào các giải pháp để ngân hàng, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) tự xử lý nợ xấu, chưa có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ.
 
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong 10 năm qua (2012-2022), các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 1,57 triệu tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu là tự xử lý. Xử lý nợ xấu bằng hình thức bán nợ (bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác) chiếm 26,6%, trong đó chủ yếu là bán cho VAMC.
 
Trước đó, vào tháng 10/2021, VAMC đã công bố đưa chi nhánh Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức, trụ sở đặt tại Hà Nội. Sàn giao dịch này hứa hẹn thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng, các công ty quản lý nợ và nhiều nhà đầu tư, từ đó tạo lập môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam. Nhưng từ đó đến nay, hoạt động của Sàn vẫn rất “èo uột” nếu so với khối lượng nợ xấu của các ngân hàng.
 
Theo VAMC, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ trên website của Sàn với giá trị tổng dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng. Sàn đã thực hiện thành công các hợp đồng tư vấn với khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm đạt gần 450 tỷ đồng và thu phí dịch vụ tư vấn từ khách hàng khoảng 700 triệu đồng. Nói về hạn chế của Sàn, ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC lý giải là do mô hình mới, chưa có tiền lệ nên hoạt động của Sàn giao dịch nợ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là việc thu hút các chủ thể tham gia giao dịch, nên cần những chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích, thu hút nhiều đối tượng tham gia mua bán nợ xấu.
 
Nhận xét về hoạt động xử lý nợ xấu của Việt Nam, ông Darryl Dong, cán bộ Quốc gia cao cấp, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) Việt Nam cho rằng, nợ xấu không xấu và đồng hành cùng hoạt động ngân hàng, nên cần một khung pháp lý để làm sạch và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa. Tuy Việt Nam đã bàn nhiều đến vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường, chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Việt Nam vẫn nằm ở "vạch xuất phát" trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
 
Mở cửa thị trường đúng nghĩa
 
Theo chia sẻ từ chuyên gia IFC Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn khuyến khích bằng tiền mặt trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu... Nhưng ông Darryl Dong một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường.
 
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. “Nút chặn” khiến các nhà đầu tư kém mặn mà là không thể chuyển giao được quyền sở hữu tài sản đảm bảo sau khi mua nợ xấu. Vì thế, Việt Nam có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Điều này sẽ tạo ra khung pháp lý hiệu quả, công bằng, sẽ mở ra một ngã rẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
 
Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giải pháp căn cơ nhất, hiệu quả nhất để xử lý nợ xấu lâu dài là phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Đồng thời, phải có các quy định tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, ví dụ cho ngân hàng bán nợ xấu với giá trị chỉ 20-30% như ngân hàng nhiều nước đang làm, hoặc cho phép ngân hàng xoá nợ nếu họ có đủ khả năng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang bán nợ xấu như giá “nợ tốt” hoặc không dám bán nợ xấu với giá thị trường vì lo ngại trách nhiệm.
 
Từ trước đến nay, việc xây dựng một luật riêng cho xử lý nợ xấu được nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhưng với các quy định về xây dựng pháp luật như hiện nay thì sẽ không khả thi về mặt thời gian, trong khi đây là vấn đề "gấp gáp" của nền kinh tế. Do vậy, các chuyên gia và ngân hàng kỳ vọng, việc đưa vào một chương về xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là hợp lý, nhưng cần tính toán một cách toàn diện, với những quy định có thể thực thi được. Đặc biệt, cần lưu ý quan hệ tương thích với các quy định khác của pháp luật, nhất là các quy định về phá sản.
 
Xây dựng giải pháp tổng thể để giải quyết nợ xấu
 
 
TS. Nguyễn Trí Hiếu.
 
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề nợ xấu hiện nay cần giải pháp tổng thể, không chỉ từ thị trường vốn mà phải cộng hưởng từ sự ổn định của hoạt động xuất nhập khẩu cùng sự phát triển của các ngành kinh tế.
 
Từ những tháng cuối năm 2022 đến nay, nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng gia tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
 
Ngành ngân hàng tồn tại và phát triển dựa trên sức sống của người dân và doanh nghiệp. Ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, đời sống của người dân và doanh nghiệp hiện gặp khó khăn. Trong quý 1/2023, số lượng doanh nghiệp phá sản tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp hiện tại đang rất khó khăn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp giảm mạnh, thậm chí là không có đơn đặt hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, khiến tín dụng giảm mà còn là nguyên nhân khiến ngân hàng khó thu hồi nợ, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
 
Hơn nữa, hiện lãi suất tại nước ta đang duy trì ở mức cao. Lãi suất huy động cao kéo theo lãi suất cho vay cao, càng khiến các doanh nghiệp thiếu dòng vốn, dẫn đến ngưng hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến “vòng xoáy” doanh nghiệp khó khăn, chậm trả nợ, hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới trả nợ cũ, đẩy lãi suất lên cao.
 
Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với chương riêng về xử lý nợ xấu. Xin ông cho biết, việc này liệu có mở ra cơ hội để gỡ vướng về nợ xấu?
 
Trong bối cảnh Nghị quyết 42 sắp hết thời hạn, thời điểm hiện tại cần có một nền tảng pháp lý cao hơn trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã chứng tỏ hiệu quả nhưng về tính pháp lý là chưa đủ, cần luật hoá và nên trở thành một bộ phận trong các quy định về hoạt động ngân hàng.
 
Một trong những vướng mắc lớn nhất của nợ xấu đến thời điểm này là vấn đề thi hành án. Hiện nay các chế tài để xử lý nợ xấu chưa đủ chặt chẽ và hiệu quả để các ngân hàng có thể xử lý dứt điểm các món nợ xấu. Một trong những vấn đề đáng chú ý là chuyển nhượng tài sản bảo đảm còn rất khó khăn. Vì thế, tôi đề xuất cần có một chương riêng về chuyển nhượng tài sản đảm bảo của khoản nợ. Các quy định phải được thiết kế hết sức thông thoáng để đảm bảo người thi hành có thể hiểu rõ.
 
Ở Mỹ và một số nước phát triển hiện nay còn có hình thức bảo hiểm về quyền sở hữu bất động sản. Với loại bảo hiểm này, khi một người muốn mua 1 căn và muốn dùng căn nhà đó thế chấp ngân hàng thì việc đầu tiên là làm việc với hãng bảo hiểm. Hãng bảo hiểm sẽ qua điều tra căn nhà để xem tính pháp lý và trao đổi với cả bên bán nhà, cũng như bên mua nhà. Sau khi các vấn đề được giải quyết hãng bảo hiểm sẵn sàng bảo hiểm quyền sở hữu trên tài sản đó và người mua có thể tới ngân hàng vay tiền. Ngân hàng dựa vào chứng từ của hãng bảo hiểm để cho vay. Với cơ chế như thế khi đi vay mua nhà rất an toàn cho cả người mua, người bán và ngân hàng.
 
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, Nghị quyết 42 có chương về sàn giao dịch mua bán nợ. Sàn giao dịch này đã được thành lập nhưng chưa hiệu quả vì chưa phát triển thành sàn giao dịch nợ quốc gia. Do đó, nhiều lần tôi đã ý kiến về việc phải nâng tầm sàn giao dịch mua bán nợ, kể cả nợ xấu và nợ tốt. Sàn mua bán nợ này cần có cơ sở pháp lý thông thoáng, đơn giản để tất cả các thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào.
 
Bên cạnh đó, với sự phát triển của thị trường tài chính tại Việt Nam, thời gian tới, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu cơ chế “chứng khoán hóa” các khoản nợ. Tại Mỹ, các khoản nợ có giá trị từ vài trăm nghìn USD đến vài triệu USD có thể được “đóng gói” thông qua một công ty trung gian, môi giới để đóng thành những gói hàng tỷ USD để bán. Khi giao dịch, người bán chịu trách nhiệm chuyển nhượng tài sản bảo đảm, phát hành chứng khoán khi món nợ là bất động sản. Bên trung gian, sau khi đóng gói có thể bán cho các nhà đầu tư gồm các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm..., tiền sẽ được các ngân hàng thu về. Điều này sẽ tạo vòng quay nhanh hơn cho dòng tiền.
 
Cùng với những vấn đề trên, giải pháp tổng thể từ nền kinh tế sẽ cần như thế nào, thưa ông?
 
Nợ xấu lâu nay là vấn đề lớn là cả nền kinh tế phải đối mặt, nên để giải quyết phải có những giải pháp mang tính tổng thể, không chỉ từ việc phát triển thị trường tài chính, thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mà cần sự ổn định từ nền kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động xuất nhập khẩu… giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tăng khả năng trả nợ đúng hạn.
 
Hiện tại, việc giảm lãi suất cũng chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Dài hạn và bền vững phải từ việc làm sao để phục hồi nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định lạm phát, giảm dần các rủi ro nền kinh tế thì lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp, giúp giảm nguy cơ gia tăng nợ xấu.
 
Xin cảm ơn ông!