Các nhà khai thác vàng trên thế giới đang chuyển hướng chú ý sang đồng, kim loại công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cuộc chuyển đổi từ nhiên liện hóa thạch sang năng lượng sạch. Đặt cược vào đồng cũng giúp họ cân bằng rủi ro, vì giá vàng thường tăng khi kinh tế bất ổn, còn đồng có xu hướng tăng giá khi kinh tế khởi sắc.
Mỏ đồng và vàng Telfer của Newcrest Mining ở bang Tây Úc, Úc. Tháng 11 năm ngoái, Newmont, công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới mua lại Newcrest Mining với giá khoảng 15 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Newcrest
Các công ty khai thác vàng gần đây hồ hởi khi giá kim loại quí này tăng lên mức cao kỷ lục. Nhưng họ đang tái đầu tư một phần đáng kể lợi nhuận từ vàng vào đồng. Từ miền trung của Mexico đến vùng hẻo lánh của Úc, các nhà sản xuất vàng hàng đầu thế giới Newmont (Mỹ) và Barrick Gold (Canada) đang đặt cược vào đồng thông qua các thương vụ thâu tóm và khoản đầu tư khác.
Đồng là kim loại rất cần thiết để sản xuất xe điện, tuốc-bin gió và hệ thống năng lượng mặt trời. Vì vậy, các nhà khai thác vàng kỳ vọng động thái mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực đồng sẽ mang lại cho họ nhiều ảnh hưởng hơn đối với một mặt hàng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, CEO Mark Bristow của Barrick nói với các nhà đầu tư rằng, công ty này đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất đồng lớn bằng cách xây dựng một cơ sở sản xuất ở Pakistan và mở rộng mỏ đồng Lumwana ở tỉnh Copperbelt của Zambia. Barrick tuyên bố dự án mỏ đồng Reko Diq ở Pakistan, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2028, sẽ nằm trong số 10 mỏ đồng lớn nhất thế giới.
Công ty Newmont, có trụ sở tại bang Colorado (Mỹ), đã mở rộng hoạt động kinh doanh đồng bằng thương vụ mua lại Newcrest Mining của Úc với giá khoảng 15 tỉ đô la Mỹ vào tháng 11. Trong khi đó, các công ty khai thác vàng lớn khác, gồm Evolution Mining và Agnico Eagle Mines của Canada gần đây thực hiện các giao dịch lớn ở các mỏ đồng.
Các kỹ sư địa chất của Công ty khai thác vàng Regis Resources (Úc) đang thăm dò các trữ lượng đồng ở khu vực cách Sydney vài giờ lái xe về phía tây. “Chúng tôi đang tìm kiếm đồng tương tự như nỗ lực tìm kiếm vàng”, Jim Beyer, CEO của Regis Resources, nói.
Đồng và vàng thường đi với nhau trong những mẫu quặng đa kim. Tuy nhiên, trong nhiều năm, các công ty khai thác vàng đánh giá thấp đồng. Họ thường gộp doanh thu từ kim loại công nghiệp này vào doanh thu vàng trong báo cáo tài chính.
Trước đây, cổ phiếu của công ty khai thác vàng trước đây giao dịch ở mức giá cao hơn so với với các công ty khai thác nhiều kim loại. Điều đó đang thay đổi khi nhà đầu tư nhận ra nguồn cung đồng có thể sớm thiếu hụt khi thế giới tăng tốc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và tránh xa nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều công ty khai thác vàng cũng đối mặt với chi phí ngày càng tăng khi họ cần phải đào sâu hơn ở các mỏ vàng cũ kỹ. Ngoài ra, liên quan đến các lo ngại ô nhiễm môi trường, họ vấp phải sự phản đối của các cộng đồng địa phương ở nhiều nơi trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã kêu gọi chấm dứt hoạt động khai thác vàng để giải quyết những thách thức của ngành công nghiệp này về khí thải nhà kính, quản lý chất thải và sử dụng nước. Họ cho rằng, lượng vàng lưu thông trên toàn cầu hiện nay đã đủ cho nhu cầu giao dịch và sử dụng trong các sản phẩm công nghệ.
“Thế giới sẽ thiếu hụt đồng nghiêm trọng trong thập niên tới”, ông Tom Palmer, CEO của Newmont, nhận định.
Theo một số ước tính, nhu cầu đồng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 so với hiện nay. Xe điện sử dụng lượng đồng nhiều gấp bốn lần so với xe động cơ đốt trong. Sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng cần nhiều đồng hơn, tính trên mỗi MW, so với sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư đặt cược vào đồng cần nhiều năm để thu về lợi nhuận. Giá đồng giảm hơn 20% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3-2022. Giá một số kim loại khác, cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Giá đồng giảm một phần phản ánh tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện ở Mỹ đang chững lại và những lo ngại rộng hơn về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Một số hãng xe của Mỹ trì hoãn kế hoạch đầu tư cho xe điện, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đồng trong tương lai.
Đối với Harmony Gold Mining, công ty khai thác vàng lớn nhất Nam Phi, quyết định mua một dự án mỏ đồng và vàng ở Úc với giá lên tới 230 triệu đô la Mỹ là cơ hội giúp giảm bớt tác động đến doanh thu khi giá của hai kim loại biến động theo các hướng khác nhau. Đồng được nhiều người coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Khi kinh tế khởi sắc, nhu cầu và giá đồng sẽ tăng. Trái lại, vàng thường tăng giá khi triển vọng kinh tế u ám và khi giới nhà đầu tư muốn phòng thủ lạm phát cũng như các rủi ro tài chính khác.
Ông Beyer của Regis Resources, nhấn mạnh, vàng vẫn là động lực kinh doanh chính của công ty. Vị CEO này cho biết, các cổ đông không gây áp lực để công ty đầu tư vào đồng, vì họ vẫn xem vàng là bánh răng quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, Beyer không bỏ qua cơ hội mà đồng mang lại. “Mọi người đều yêu thích năng lượng tái tạo và đồng là một những kim loại của tương lai”, ông nói.
Sự nhập cuộc của các công ty khai thác vàng làm tăng nhiệt cuộc cạnh tranh trên toàn cầu đối với các trữ lượng đồng đã được phát hiện. Đồng thời, sự hiện diện của họ trong lĩnh vực này càng thôi thúc các hoạt động tìm kiếm các trữ lượng đồng mới. Một số công ty khai khoán lớn nhất thế giới, bao gồm BHP Group và Rio Tinto, đang ưu tiên tìm kiếm đồng vì đánh giá cao vai trò của kim loại này trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong một vụ đặt cược táo bạo hồi năm ngoái, nhà khai thác vàng Agnico Eagle của Canada đã mua một nửa dự án mỏ đồng và kẽm San Nicolás của Teck Resources ở bang Zacatecas của Mexico. Khoản đầu tư trị giá 580 triệu đô la Mỹ của Agnico Eagle đánh dấu bước đột phá vào lĩnh vực kim loại công nghiệp của nhà khai thác vàng này.
Ammar Al-Joundi, CEO của Agnico Eagle, kỳ vọng mỏ San Nicolás sẽ mang lại lợi nhuận cực lớn cho các cổ đông và tỷ trọng doanh thu của công ty từ vàng sẽ chỉ giảm từ khoảng 99%, xuống còn khoảng 93%.
Trong khi đó, sau khi thâu tóm Newcrest Mining, Newmont dự kiến đồng sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu của công ty. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% hoặc cao hơn nưa khi Newmont phát triển các dự án mỏ đồng theo kế hoạch.
“Bạn có thể kỳ vọng rằng giá trị của đồng sẽ tăng lên và tầm quan trọng của đồng trong danh mục đầu tư sẽ tăng lên”, CEO Palmer của Newmont, nói.