Các tân binh từ nhiều lĩnh vực đang đổ bộ lên sàn UPCoM, dự kiến mang đến làn gió mới cho thị trường chứng khoán, cũng như hâm nóng sàn giao dịch này.
Loạt tân binh đổ bộ sàn UPCoM
Thời gian gần đây, sàn UPCoM trở nên sôi động với sự xuất hiện của loạt doanh nghiệp mới từ nhiều ngành nghề, từ sản xuất giấy, nhựa đến may mặc, thực phẩm, đồ uống,…
Hai doanh nghiệp mới nhất được chấp thuận giao dịch trên UPCoM là Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu (AIG) và Công ty Cổ phần Miza (MZG), dự kiến sẽ đưa số lượng lớn cổ phiếu lên sàn trong nửa đầu tháng 11 này.
Về phía MZG, công ty được thành lập năm 2010 và hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì, bao gói - ngành nghề được Nhà nước khuyến khích. Trong giai đoạn 2015-2016, Miza mở rộng dây chuyền tái chế giấy thải, tăng công suất từ 25.000 tấn/năm lên 32.500 tấn/năm. Đến năm 2017, công ty đầu tư thêm dây chuyền, nâng tổng công suất lên 40.000 tấn/năm.
Hiện tại, Miza đang đầu tư vào dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn giai đoạn 2, với dây chuyền sản xuất mới có công suất 120.000 tấn/năm, đưa tổng công suất lên 240.000 tấn/năm. Qua nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của Miza hiện đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Công ty có kế hoạch phát hành thêm gần 6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 6%, dự kiến thực hiện trong năm 2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Miza sẽ tăng lên gần 1.060 tỷ đồng.
Ngày 12/11 sắp tới, MZG sẽ đưa hơn 99,9 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCOM với giá tham chiếu 11.900 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá khoảng 1.200 tỷ đồng.
Đối với AIG, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2001, chuyên cung cấp nguyên liệu và các giải pháp tổng thể cho ngành sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Năm 2018, AIG nhận vốn từ hai quỹ nước ngoài là Penm IV Germany GMBH & CO. KG và VFPHK Holdings Limited, mỗi quỹ đầu tư 8 triệu cổ phần.
Cũng trong năm này, AIG khánh thành Trung tâm nghiên cứu – phát triển tại Bình Dương và thực hiện một loạt thương vụ M&A, mua lại cổ phần của các công ty: Công ty Cổ phần Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI), Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu (ACP), Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu (ACC), và Công ty Cổ phần APIS.
Giai đoạn 2019-2023, AIG tiếp tục thu hút vốn từ các quỹ ngoại và đón thêm cổ đông lớn như All Ingredients Pte. Ltd và MGCA Foodco Pte. Ltd. Các công ty con của AIG cũng liên tục khởi công và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất, dự án kho bãi,…
Trước thềm đưa chứng khoán lên giao dịch tại UPCoM, AIG tiếp tục sôi động với các thương vụ M&A, đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu tại một số công ty con trong hệ sinh thái. Doanh nghiệp cũng ghi nhận một số quỹ thoái vốn, trong khi một số quỹ khác lại tăng tỷ lệ sở hữu. Kể từ năm 2017, vốn điều lệ của AIG đã tăng từ 18 tỷ đồng lên hơn 1.700 tỷ đồng hiện tại, thông qua các đợt phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Ngày 11/11 tới đây, AIG sẽ niêm yết 170,6 triệu cổ phiếu trên UPCoM với giá tham chiếu phiên đầu là 63.000 đồng/cổ phiếu, định giá khoảng 10.748 tỷ đồng.
Sức hút của sàn UPCoM
Không chỉ MZG và AIG, sàn UPCoM thời gian qua cũng đón nhận nhiều tân binh như Công ty Cổ phần Nhựa Sinh Thái Việt Nam (ECO), Công ty Cổ phần Vạn Đạt Group (VDG), Công ty Cổ phần Freco Việt Nam (TAB),…
Sàn UPCoM hiện không chỉ là điểm đến cho các cổ phiếu bị hủy niêm yết tại HoSE và HNX mà còn là lựa chọn cho các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoặc chưa muốn niêm yết trên sàn chính. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp thử nghiệm mức độ tăng trưởng của cổ phiếu trước khi quyết định niêm yết chính thức trên HoSE hoặc HNX. UPCoM cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhà đầu tư và tạo đà niêm yết trên sàn lớn sau này.
Các doanh nghiệp trên UPCoM thường có quy mô vừa và nhỏ, nhưng cũng có những “ông lớn” như AIG. Nhiều công ty lớn thuộc họ Viettel như Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (VTP) và Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (CTR) từng giao dịch trên UPCoM trước khi niêm yết trên HoSE với vốn hóa hơn chục nghìn tỷ đồng. Hiện tại, hai mã cổ phiếu nổi bật là MCH của Masan Consumer và BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn cũng đang chuẩn bị hồ sơ để chuyển sang sàn lớn.
Giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp giao dịch tại UPCoM thường là những công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ các cổ phiếu mới nổi.
UPCoM hoạt động dưới sự giám sát và quản lý của HNX, đảm bảo môi trường giao dịch công khai, minh bạch, giúp nhà đầu tư an tâm hơn so với sàn OTC. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi cổ phiếu trên UPCoM có biên độ dao động giá tới 15%, cao hơn so với HoSE (7%) và HNX (10%). Mức dao động lớn mang lại cơ hội nhưng cũng có thể dẫn đến thua lỗ khi giá cổ phiếu biến động mạnh và khó dự đoán.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trên UPCoM thường có thanh khoản thấp hơn so với HoSE và HNX, khiến việc mua bán và thoát khỏi vị thế đầu tư trở nên khó khăn.
Link gốc