Các biện pháp chính sách gần đây của Trung Quốc đã nâng cao niềm tin và kỳ vọng của thị trường và có tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Container hàng hóa được bốc dỡ tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo tờ Global Times, ngày 9/12, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị phân tích và nghiên cứu công tác kinh tế năm 2025.
Hội nghị nêu rõ, các mục tiêu và nhiệm vụ chính của phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ được hoàn thành tốt đẹp, đồng thời kêu gọi thực hiện chính sách tài khóa tích cực hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải trong năm tới.
Hội nghị chỉ rõ cần phải làm phong phú và hoàn thiện công cụ chính sách, tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ, tăng cường điều phối các chính sách, hướng tới hiệu quả và có tính mục đích. Hội nghị cho rằng Trung Quốc cần thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng nhu cầu nội địa trên mọi phương diện.
Giáo sư Cong Yi tại Học viện Hành chính Thiên Tân cho rằng hội nghị đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ cho chính sách kinh tế trong năm tới, bao gồm lời kêu gọi làm phong phú và hoàn thiện các công cụ chính sách và tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ, điều này đã giúp thúc đẩy niềm tin thị trường.
Theo giáo sư Cong Yi, các biện pháp chính sách gần đây đã nâng cao niềm tin và kỳ vọng của thị trường và có tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hội nghị Bộ Chính trị nhấn mạnh rằng năm 2024 là một năm quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung Quốc đã tích cực ứng phó với những thay đổi và thực hiện các chính sách toàn diện. Hoạt động kinh tế nói chung vẫn ổn định, đạt được tiến bộ. Sức mạnh công nghệ và sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc tiếp tục được tăng cường. Hội nghị chỉ rõ, lực lượng sản xuất chất lượng cao mới phát triển vững chắc, cải cách mở cửa không ngừng, rủi ro trong lĩnh vực trọng điểm được hóa giải có trật tự và hiệu quả, dân sinh được bảo đảm vững chắc và hiệu quả.
Trong ba quý của năm 2024, GDP của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% vào năm 2024, một mục tiêu mà các quan chức đã bày tỏ sự tự tin sẽ đạt được nhờ một loạt biện pháp kinh tế được thực hiện gần đây.
Giáo sư Wang Yiwei tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định hội nghị hôm 9/12 là rất quan trọng để thiết lập chính sách cho Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương sắp tới. Theo giáo sư Wang Yiwei, chính phủ sẽ thực hiện các chính sách vĩ mô tích cực và hiệu quả hơn trong năm tới. Sang năm 2025, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thể đối phó với những thách thức như môi trường quốc tế xấu đi, thúc đẩy lực lượng sản xuất chất lượng cao mới và phát triển chất lượng cao với chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải.
Ngoài ra, hội nghị trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng đổi mới khoa học và công nghệ để dẫn dắt sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng cao mới, đồng thời xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại. Hội nghị kêu gọi thực hiện các biện pháp cải cách mang tính bước ngoặt để đạt được kết quả trên, cũng như mở rộng mức độ mở cửa đối ngoại cấp độ cao và ổn định thương mại nước ngoài và đầu tư nước ngoài.
Hội nghị kêu gọi ngăn ngừa và giải quyết rủi ro trong các lĩnh vực chính và kiên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kinh tế, đảm bảo các quyết định và sắp xếp của Ban chấp hành Trung ương Đảng phải được thực hiện.
Phó tổng biên tập Bian Yongzu của tạp chí Modernization of Management của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết các tín hiệu hỗ trợ chính sách mạnh mẽ cũng như các nguyên tắc cơ bản vững chắc sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc ổn định trong năm tới.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa có thể vẫn là ưu tiên hàng đầu trong năm tới khi hội nghị Bộ Chính trị hôm 9/12 kêu gọi thực hiện các chính sách vĩ mô tích cực hơn và mở rộng nhu cầu trong nước.
Theo giáo sư Cong Yi, hội nghị đã đưa ra hai điểm rất quan trọng: mở rộng nhu cầu nội địa và thúc đẩy tiêu dùng. Trọng tâm chính của chính sách vĩ mô trong năm tới có thể là mở rộng nhu cầu nội địa. Nhu cầu trong nước là tiềm năng to lớn cho thị trường Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những cách hiệu quả nhất để giải quyết các thách thức bên ngoài.
Hội nghị Bộ Chính trị cũng nêu rõ cần ổn định thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, ngăn chặn và hóa giải rủi ro trong các lĩnh vực then chốt và tác động bên ngoài, ổn định kỳ vọng, tăng cường sức sống, thúc đẩy phục hồi và cải thiện kinh tế bền vững.
Hải Yến-Link gốc