Nhiều doanh nghiệp Đức cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn do thiếu lao động lành nghề.
Theo một nghiên cứu vừa được Viện nghiên cứu Prognos (Đức) công bố, cho đến năm 2030, nước Đức sẽ thiếu tới 550.000 lao động lành nghề để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nghiên cứu được thực hiện dưới sự ủy quyền của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công với việc mở rộng nhất quán các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hydro). Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, việc đảm bảo đủ nguồn lao động lành nghề đang là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực này ở Đức. Triển vọng về lao động lành nghề đến năm 2035 còn trầm trọng hơn do sự phát triển nhân khẩu học và cơ cấu tuổi trong các ngành nghề liên quan.
Nghiên cứu cho biết việc tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng trở nên khó khăn đối với các công ty được khảo sát; nhiều vị trí tuyển dụng ngày càng bị bỏ trống lâu hơn mà không tìm được nhân viên phù hợp. Sự thiếu hụt lao động lành nghề ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và khả năng đổi mới của các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia Achim Dercks từ DIHK, nhiều doanh nghiệp Đức cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn do thiếu lao động lành nghề và các mục tiêu mở rộng năng lượng tái tạo chỉ có thể đạt được một phần. Khoảng 250 ngành nghề liên quan có vai trò quan trọng trong việc mở rộng năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng như hydro.
Việc mở rộng năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nhiều bước. Không chỉ tình trạng thiếu lao động lành nghề trong hoạt động kinh doanh chủ chốt của ngành năng lượng dẫn đến sự chậm trễ, mà những nút thắt trong các lĩnh vực như hậu cần, vận tải cũng có thể góp phần làm chậm quá trình chuyển đổi, gây thiệt hại cho quá trình này cũng như cho nền kinh tế nói chung.
Để đối phó với việc thiếu lao động, DIHK khuyến nghị nên định hướng nghề nghiệp thực tế ngay từ trong các trường học phổ thông, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo bổ sung bên cạnh chương trình đào tạo nghề kép và tăng cường tuyển dụng lao động lành nghề từ nước ngoài. Ngoài ra, cần phải giữ lại nhiều hơn lao động nữ và lao động lớn tuổi trên thị trường lao động.