Trong 4 tháng đầu năm 2024, đơn hàng của các doanh nghiệp ngành gỗ và ngành dệt may đang dần có sự cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 3/2024...
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung vẫn chưa thể yên tâm khi đơn giá chưa phục hồi nhiều, thế giới đang có nhiều biến động, người tiêu dùng tại các thị trường lớn vẫn còn thắt chặt chi tiêu… Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon)...
DOANH NGHIỆP CÒN NHIỀU ÂU LO
Tháng 4/2024, da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn với 1,956 tỷ USD. Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, đơn hàng nhận được của doanh nghiệp tăng hơn 30%, đảm bảo cho người lao động làm việc đến tháng 9 - 10/2024. Tại Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina ở khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Bình Dương), do đơn hàng tăng trở lại, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động để đáp ứng.
Mặc dù vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, ngành da giày vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tại thị trường EU, các quy định về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon,… đã và sẽ được thực thi thời gian tới, đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam. “Nếu chúng ta muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng, không có cách nào khác chúng ta buộc phải tuân thủ”, bà Xuân nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết so với năm 2023, những tháng đầu năm 2024 tình hình đơn hàng ngành gỗ khả quan hơn nhưng so với năm 2021 và 2022 thì cũng chỉ mới ở mức “quay lại đường đua”. Giống ngành da giày, các thị trường chính (Mỹ, EU) hết hàng tồn kho nên mua lại đơn hàng, tuy nhiên chỉ ở mức tăng trưởng ổn định.
“Ngành gỗ vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến thị trường. Đơn cử như châu Âu sẽ áp Luật Chống phá rừng từ đầu năm sau, điều này sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp Việt trong đáp ứng tiêu chí cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc”, ông Bảo cho hay.
Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu đã quay trở lại từ ngày 8 - 11/5/2024 .
Về vấn đề tỷ giá USD tăng nóng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Toàn cầu (thương hiệu cà phê nông sản Meetmore), cho biết do nguyên liệu đầu vào hiện tăng quá cao, doanh nghiệp càng xuất khẩu càng lỗ. “Hợp đồng cũ phải hoàn tất, ký hợp đồng mới cũng rất thách thức. Lý do khi ký hợp đồng mới cũng chỉ có thể tăng giá bán từ 5 - 10% để khách hàng có thể chấp nhận từ từ, trong khi nếu tính đúng giá bán phải tăng tới 40% mới bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao”, ông Luận lo lắng.
Nhìn chung, doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đã có đơn hàng trở lại, nhưng chủ yếu ngắn hạn theo quý, lợi nhuận thu hẹp. Chia sẻ thông tin tại phiên họp kinh tế - xã hội của Ủy ban Nhân dân TP.HCM ngày 3/5/2024, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cho biết các doanh nghiệp tại địa bàn chủ yếu có đơn hàng ngắn giao quý 1, quý 2. Một số doanh nghiệp có đơn hàng đến quý 3 nhưng để ký được phải chịu sức ép đơn giá giảm, hàng rào kỹ thuật cao. “Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực để không bỏ mất đơn hàng, chấp nhận thu nhập giảm và tìm giải pháp tiết giảm chi phí, duy trì công ăn việc làm cho lao động”, ông Hòa nói.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, vẫn còn tình trạng khan hiếm đơn hàng, nhất là với một số doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ,... đơn cử: ngành cao su - nhựa, mức giảm doanh thu chung khoảng 20%; hàng thiết yếu giảm khoảng 10%; hàng đồ chơi, phục vụ xây dựng giảm gần 30%... Bên cạnh đó, các ngành hàng thâm dụng nhiều lao động như da giày, dệt may vẫn chưa có đơn hàng trung và dài hạn nên chưa thể ổn định sản xuất kinh doanh...
Lưu Hà-Link gốc