• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,47 -0,66/-0,05%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,47   -0,66/-0,05%  |   HNX-INDEX   222,64   -1,06/-0,47%  |   UPCOM-INDEX   91,65   -0,41/-0,44%  |   VN30   1.299,97   +0,75/+0,06%  |   HNX30   472,33   -3,47/-0,73%
27 Tháng Mười Một 2024 11:44:55 SA - Mở cửa
Mục tiêu nâng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2030 lên tối thiểu 25% GDP là rất thách thức
Nguồn tin: Vneconomy | 17/05/2024 4:38:59 CH

Để đạt mục tiêu trên, bình quân 8 năm tới, mỗi năm phải phát hành mới khoảng 370 nghìn tỷ trái phiếu, tương đương mức phát hành của năm đỉnh cao 2020. Đó thực sự là mục tiêu khó khăn...

Ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating. Ảnh: Việt Dũng.

"Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp nhưng hiện nay với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu khoảng 20% GDP là khó. Đến năm 2030, mục tiêu dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt được 25% cũng rất khó".

Đây là quan điểm của GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức. 

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Theo ông Cường, sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018-2021, khủng hoảng thị trường trái phiếu xảy ra vào năm 2022 tỷ lệ dư nợ rơi từ 16% GDP xuống còn khoảng 11% GDP và hiện tại chưa có chiều hướng đi lên mà vẫn bò ngang. Tăng trưởng chưa rõ, quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ.

Thị trường trái phiếu so với GDP khoảng 11% nhưng so tổng vốn huy động thì quy mô trái phiếu còn nhỏ hơn nữa. Vốn trái phiếu khoảng 8% so với tín dụng, các doanh nghiệp hiện nay chưa tiếp cận đúng nghĩa thị trường vốn mà vẫn thông qua ngân hàng huy động vốn ngắn hạn.

Đối với Việt Nam trái phiếu doanh nghiệp còn có vai trò quan trọng hơn nữa, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, trước không có đơn hàng giờ đã có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dù đang rẻ. Tín dụng khó thì phải trông chờ vào trái phiếu. Muốn phát hành trái phiếu thì phải có độ tin tưởng để khách hàng yên tâm.

ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating phát biểu tại hội thảo ngày 17/5. Ảnh: Việt Dũng.

Đồng quan điểm, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating, cho hay quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam không hề bé. So với các nước trong khu vực, chúng ta rơi vào khoảng 47 tỷ USD cao hơn Philippines, Indonesia nhưng nhỏ hơn Malaysia và Thái Lan.

Nhìn vào mục tiêu năm 2030 phải đạt 25% GDP, theo ông Minh là rất khó. Nếu Việt Nam chỉ tăng trưởng GDP tốc độ bình quân 5,5 - 6% cho 8 năm tới thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vào khoảng 160-170 tỷ USD, tăng 3,5 lần so với quy mô hiện tại. Lúc đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tương đương với Malaysia. Và bình quân 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải phát hành mới khoảng 370 nghìn tỷ trái phiếu, tương đương kết quả năm 2020 - năm đỉnh cao trước khi bùng nổ những vấn đề trên thị trường. "Đây thực sự là mục tiêu khó khăn", ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, có 3 điều kiện cần để giúp thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển đạt được mục tiêu đề ra là quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới năm 2030 đạt tối thiểu là 25% GDP.

Thứ nhất, minh bạch thông tin thị trường bởi nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường gồm mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.

Thứ hai, tham chiếu đơn giản phổ biến để nhà đầu tư dựa vào đó để biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào, hay còn gọi là đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp. Điều này giúp các nhà đầu tư tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch.

Thứ ba, thay đổi cơ cấu nhà đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Việt Nam đang đóng tỷ lệ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao, theo thống kê của VIS Rating cuối năm ngoái nhà đầu tư đang sở hữu 33% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Ngược lại với các thị trường khác muốn phát triển trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc phát hành kỳ hạn dài được nắm giữ bởi các nhà đầu tư là tổ chức.

"Lưu ý, nếu làm được 2 điều kiện cần 1 và 2 thì điều kiện số 3 tự đến. Theo tôi nghĩ, ở thời điểm nay chúng ta làm rất tốt tiền đề và bước đầu tiên giải quyết vấn đề cho điều kiện 1 và 2. Nếu làm được thị trường trái phiếu sẽ phát triển về chất lượng và số lượng tốt hơn so với giai đoạn trước", Tổng Giám đốc VIS Rating nhấn mạnh.

An Nhiên-Link gốc