Do kỹ năng kỹ thuật số cơ bản còn thấp, lại thiếu chiến lược bán hàng đa kênh, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ trong ngành hàng tiêu dùng lún sâu trong khó khăn, tụt hậu trước đối thủ. Để tạo thế đột phá về đầu ra sản phẩm, cải thiện doanh thu và lợi nhuận, đòi hỏi bản thân họ phải khắc phục những mặt yếu này, linh hoạt nắm bắt các công nghệ mới nổi.
Chị Phạm Thị Vân là chủ một cơ sở nhỏ trong ngành hàng tiêu dùng ở quận Bình Tân, Tp.HCM. Để cải thiện tình hình buôn bán ế ẩm như thời gian qua, chị đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), tích cực trong việc dùng các nền tảng truyền thông mạng xã hội khác nhau. Từ đó người mua cũng dần biết đến cơ sở của chị nhiều hơn nhờ thuận tiện trong việc đặt sản phẩm, giao hàng nhanh và nhận thông tin cập nhật về tình trạng sản phẩm.
Kỹ năng kỹ thuật số còn thấp
Thế nhưng, để làm được điều đó bản thân chị Vân phải nhờ đến con cái thiết lập hồ sơ mạng xã hội và xử lý vấn đề phức tạp của các giao dịch kỹ thuật số.
Các nữ chủ DN nhỏ trong ngành hàng tiêu dùng cần tăng cường kỹ năng kỹ thuật số và có chiến lược đa kênh dài hạn để tạo thế đột phá về đầu ra cho sản phẩm.
Không riêng gì chị Vân, do năng lực thích ứng với công nghệ số còn hạn chế nên nhiều chủ DN nhỏ trong ngành hàng tiêu dùng phải phụ thuộc vào người thân trong gia đình để được hướng dẫn từng bước sử dụng. Nhất là trong bối cảnh kỹ năng kỹ thuật số cơ bản thấp, nguồn lực tài chính hạn chế cản trở khả năng học hỏi và tiếp cập các công nghệ mới của họ.
Bà Võ Thị Diễm Trang, chuyên gia truyền thông và thiết kế của Đại học RMIT, cho biết thực tế là một số chủ DN nhỏ (đơn cử là những chủ DN nữ) có chia sẻ rằng họ khởi đầu khá khó khăn khi học cách sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để bán nhiều hàng hơn.
“Có nhiều chủ DN nữ e dè công nghệ mới, chẳng hạn như các ứng dụng đặt đồ ăn vì chúng khó sử dụng với phụ nữ trung niên và lớn tuổi. Do đó, trong thời gian đầu chưa ứng dụng công nghệ số, doanh thu hoặc lợi nhuận của họ cải thiện rất ít”, bà Trang lưu ý.
Cần nhắc thêm, một cuộc khảo sát gần đây của RMIT cho thấy 62% chủ DN nữ có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc xác nhận thông tin trực tuyến. Phần lớn trong số họ cũng chưa quen với các thiết bị, công cụ và các bước bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian số, chẳng hạn như trình duyệt ẩn danh, xóa lịch sử duyệt web, VPN (mạng riêng ảo), chặn các trang web khác thu thập dữ liệu, hoặc phần mềm phát hiện vi-rút.
Chính vì vậy, theo bà Trang, bằng cách trao quyền và hướng dẫn kỹ năng số, kiến thức và mạng lưới hỗ trợ cho các chủ DN nhỏ (đơn cử như các DN nữ) có thu nhập thấp trong ngành hàng tiêu dùng, chúng ta có thể khai mở tiềm năng kinh doanh của họ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo cơ hội tự chủ kinh tế hơn. Và để khai thác triệt để tiềm năng của các công nghệ số và giảm bớt nguy cơ từ chúng, cần có nỗ lực phối hợp từ Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các hội ngành nghề và các bên liên quan.
Trong khi đó, việc khai thác triệt để tiềm năng của công nghệ số cho ngành hàng tiêu dùng có thể thấy rõ từ tính hiệu quả của kênh bán hàng trực tuyến. Như công bố mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường QandMe trong tháng 6/2024 cho thấy ngành mỹ phẩm, đồ gia dụng & lối sống, thiết bị gia dụng là 3 hạng mục hàng đầu được ưa chuộng tại Việt Nam khi mua sắm trực tuyến. Các yếu tố liên quan đến giá cả (giá, khuyến mãi) là những yếu tố quan trọng nhất được khách hàng quan tâm khi mua sắm trực tuyến.
Đáng chú ý, theo QandMe, cửa hàng Tiktok đã phát triển nhanh chóng, vươn lên vị trí thứ hai về cả số lượng người dùng và số lượng người dùng thường xuyên. Nền tảng này có uy tín tốt về thông tin, đánh giá và mua sắm vui vẻ. Còn Shopee được chọn vì giá cả, khuyến mãi, đa dạng sản phẩm.
Linh hoạt nắm bắt các công nghệ mới
Tuy vậy, không chỉ với kênh online, trong tương lai, các DN nhỏ ở ngành hàng tiêu dùng nên triển khai chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho người mua. Họ cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.
Chẳng hạn như việc có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm phong phú trên nền tảng di động bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Giới chuyên gia đưa ra dẫn chứng khách hàng đến từ chiếc smartphone và hiện sống trong thế giới kỹ thuật số. Cho nên các DN nhỏ cần có giải pháp làm sao để đưa sản phẩm tiêu dùng đến với nơi người mua đang sinh sống và từ đó làm sao lấy được thị phần lớn nhất trong cái ví của họ.
Nói về hoạt động bán hàng trong ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay, ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever), cho biết hiện tại các DN chủ yếu sử dụng ba kênh bán hàng chính. Thứ nhất là kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa) với 70% hàng hóa tiêu dùng phân phối qua kênh này, tốc độ tăng trưởng 4-5% (thấp hơn tốc độ tăng GDP nhưng vẫn đang tăng trưởng dương).
Thứ hai là là kênh bán hàng hiện đại, là các siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 20% doanh số với mức độ tăng trưởng 10%. Thứ ba là kênh bán hàng online, dù được nói rất nhiều, nhưng hiện chỉ chiếm 5%, với mức độ tăng trưởng cao 35-45%.
Theo ông Sơn, về chi phí bán hàng thì kênh truyền thống vẫn có chi phí bán hàng thấp nhất, tiếp theo là kênh hiện đại. Riêng kênh online vẫn có chi phí lớn nhất chủ yếu đến từ chi phí khuyến mãi (thậm chí đang có xu hướng lạm phát khuyến mãi ở kênh này).
Để tạo thế đột phá trong việc bán hàng nhằm tăng doanh số và lợi nhuận, ông Sơn cho rằng các DN vừa và nhỏ trong ngành hàng tiêu dùng cần phải trả lời cho được câu hỏi đầu tiên là bán hàng ở kênh nào. Bên cạnh đó, họ cần có chiến lược 4D: Define – Design – Develop – Deploy (xác định – thiết kế – phát triển – triển khai). Và điều quan trọng là phải quản lý được tất cả các kênh bán hàng, tránh xung đột giữa các kênh.
Hơn thế nữa, như chia sẻ của vị chuyên gia này, các DN cần tận dụng eRTM (quá trình hoạch định, xây dựng, tổ chức và vận hành hệ thống phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng trên kênh trực tuyến), d-Com (trao đổi thông tin trên các thành phần kết nối mạng) và eB2B (ứng dụng online cung ứng hàng hóa cho chủ tiệm tạp hóa) để làm chương trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Mặt khác, các DN nhỏ cũng cần xây dựng đề án kinh doanh, thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số và hiện thực hóa lợi ích kinh doanh. Họ cũng nên lựa chọn thông minh trong việc tự tạo, tham gia hay kết hợp với đối tác để xây dựng app (ứng dụng) cho mình.
Để tạo thế đột phá về doanh số và lợi nhuận, điều mà các DN nhỏ trong ngành hàng tiêu dùng cần làm trong lúc này là phải cải thiện kỹ năng kỹ thuật số, cũng như xem xét triển khai chiến lược đa kênh dài hạn để duy trì sự ưa chuộng của người tiêu dùng và để không bị tụt hậu trước các đối thủ cạnh tranh.
Thế Vinh-Link gốc