Lạm phát đang có dấu hiệu tăng nhiệt trong thời gian gần đây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp khó khăn hơn. Điều này cho thấy bên cạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,44% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức 4,4% của tháng 4. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Giá tiêu dùng tăng mạnh
Đáng chú ý, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2024 tăng. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
Lạm phát đang có dấu hiệu tăng nhiệt trong thời gian gần đây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Nhiều bà nội trợ liên tục than rằng, gần đây giá cả thực phẩm đắt đỏ, nên dù cầm 200 nghìn đồng đi chợ cũng rất khó mua đủ đồ ăn để chế biến 2 bữa ăn ngon cho gia đình 4 người.
Trong khi đó, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng đang bày tỏ mong muốn xem xét điều chỉnh tăng nhẹ một số giá hàng hóa. Công ty CP Lương thực thực phẩm Miliket Colusa cho hay, DN đã thông báo với khách hàng về kế hoạch tăng giá 3-5%. Nguyên nhân tăng giá được DN lý giải là do từ đầu năm đến nay, nguyên liệu chính trong ngành sản xuất mì, bún, phở ăn liền đã tăng 5-10%, có loại tăng đến 20%, chưa kể gần đây nhà cung cấp bột mì tiếp tục thông báo tăng giá.
Bộ Công Thương lo ngại, giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải chủ động có giải pháp để tránh tình trạng trên.
Nhiều nhận định cho thấy lạm phát đang bắt đầu tăng trở lại, gần chạm trần mà Chính phủ đưa ra trong năm nay là 4,5%. Dự báo, lạm phát căng thẳng ở giai đoạn giữa năm nay.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị cũng nêu rằng một trong những quan ngại hiện nay đó là rủi ro lạm phát thời gian tới, 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố chính đã khiến cho CPI tăng trong thời gian qua được chỉ ra gồm: Áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, đặc biệt là giá dầu kéo theo giá xăng dầu trong nước, chi phí giao thông, vé máy bay, giá thuê nhà, các chi phí khác cũng tăng theo và tỷ giá vàng biến động mạnh tạo tâm lý tăng giá cả hàng hóa.
Áp lực lạm phát từ cuối năm tăng hiện hữu do một số yếu tố như giá cả hàng hóa thế giới bất định, tiềm ẩn rủi ro gia tăng khi xung đột địa chính trị đang cao trào và tăng lương tối thiểu kể từ 1/7 khiến giá cả tăng theo cộng hưởng với các yếu tố như mùa vụ, dịp hè, đầu năm học mới và đặc biệt là nguy cơ thiên tai, dịch bệnh bất thường vào những tháng cuối năm nay…
Kiểm soát lạm phát cần đặc biệt coi trọng
Theo Đại biểu Đồng, yếu tố hỗ trợ giúp giảm nguy cơ lạm phát là cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực, Nhà nước tăng cường điều hành bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Nhưng, ông muốn nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiền tệ gây ra rủi ro lạm phát khi đã có một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế.
"Một khi cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, vấn đề lạm phát do cầu kéo sẽ được thể hiện rõ tương tự như các nền kinh tế phát triển thời hậu COVID đã trải qua”, ông nói.
Thêm nữa, yếu tố lạm phát kỳ vọng cũng đã được nhen nhóm khi tỷ giá vàng, giá bất động sản phân khúc chung cư ở một số đô thị lớn đang biến động mạnh. Vì thế, Đại biểu Đồng đề nghị bên cạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới.
Trước áp lực lạm phát quay trở lại và dai dẳng, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh - Nam Định, nhìn nhận trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ thì lãi suất cho vay của các ngân hàng với các doanh nghiệp giảm khá tốt, tuy nhiên đà giảm hiện tại có dấu hiệu chững lại và sẽ có khả năng tăng lên, như vậy chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khó có thể nới lỏng được hơn nữa, mà thay vào đó sẽ chặt chẽ, chắc chắn hơn để đề phòng áp lực tỷ giá và lạm phát quay trở lại.
Do đó, Đại biểu Quỳnh cho rằng cần phải có những chính sách ngành và các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ trực tiếp các nhóm ngành nghề như dệt may và các sản phẩm mang tính chất quan trọng, trọng yếu của nền kinh tế mà không gây nên áp lực tăng giá, ví dụ như lương thực và một số dịch vụ công như giáo dục và y tế.
“Ngân hàng Nhà nước cũng cần rà soát lại những khoản vay cũ chịu lãi suất cao của các doanh nghiệp vẫn phải chịu dẫn đến khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp”, Đại biểu Quỳnh nói.
Theo vị Đại biểu Quốc hội, trong nhiều năm đại dịch và bối cảnh lạm phát thì thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Trong thời gian vừa qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn mà những tháng đầu năm chúng ta lại thặng dư ngân sách, đó là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Nhà nước cần thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ tránh tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng. Bộ ngành cần lên kế hoạch, có lộ trình cụ thể làm sao phù hợp, hợp lý về mức độ và thời điểm để đảm bảo tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cần đảm bảo lưu thông hàng hoá như mặt hàng xăng dầu, đảm bảo đủ cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thêm vào đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho tiêu dùng người dân, bên cạnh việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hiệu quả.
Nhật Linh - Link gốc