Nhu cầu ở thị trường Trung Quốc suy giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của tập đoàn. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Cổ phiếu của tập đoàn Swatch Group đang chứng kiến mức sụt giảm doanh thu và lợi nhuận lớn nhất trong 4 năm qua.
Theo Bloomberg, tình hình kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc không còn mạnh như trước đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hãng đồng hồ và thương hiệu cao cấp nói chung.
Swatch Group là tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới, sở hữu loạt hãng cao cấp như Omega, Breguet, Blancpain... Ảnh minh họa: Pascal Mora/Bloomberg.
Theo báo cáo của Swatch Group về giai đoạn 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận giảm 70% và doanh thu giảm 14%. Cổ phiếu tập đoàn đã giảm tới 10% trong phiên giao dịch đầu giờ ở Zurich (Thụy Sĩ). Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Sự việc này cho thấy nhu cầu mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc sụt giảm khi người tiêu dùng ở thị trường trọng điểm này bắt đầu hạn chế mua những mặt hàng đắt tiền.
Nick Hayek, Giám đốc điều hành tập đoàn Swatch, cho biết họ đã cắt giảm hơn 20% sản lượng trong khi vẫn giữ nguyên lực lượng lao động của mình để vượt qua thời kỳ suy thoái.
Ông cho hay tác động lớn nhất chủ yếu đến từ Trung Quốc. Ông dự đoán thị trường Trung Quốc, bao gồm Hong Kong và Ma Cao, vẫn sẽ là thách thức với toàn bộ ngành hàng xa xỉ cho đến cuối năm nay.
Nick Hayek, giám đốc điều hành tập đoàn Swatch. Ảnh: Stefan Wermuth/Bloomberg.
Bên cạnh đó, ông tin rằng các thương hiệu giá cả phải chăng hơn, như Swatch và Tissot sẽ hoạt động tốt hơn các hãng cao cấp như Omega, Blancpain và Breguet.
Piral Dadhania, nhà phân tích của ngân hàng Hoàng Gia Canada (RBC), cho biết tình hình của tập đoàn Swatch tệ hơn dự kiến. Ông dự đoán thu nhập của họ sẽ còn giảm đáng kể.
Trong khi đó, nhà phân tích Luca Solca của Bernstein, công ty nghiên cứu và quản lý đầu tư, cho biết báo cáo kinh doanh của Swatch thực sự "tệ". Ông giải thích rằng Omega, thương hiệu chủ lực của Swatch có thể đang gặp vấn đề vì đối thủ cạnh tranh của họ, Rolex, có nhiều sản phẩm có sẵn hơn trong cửa hàng. Điều này khiến Omega khó bán đồng hồ của họ hơn.
Tương tự các nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ khác, Swatch đã phải chịu áp lực kể từ khi lạm phát tăng vọt khiến người dùng hạn chế chi tiêu sau đại dịch bùng phát.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người mua ít giàu có hơn khiến doanh số bán đồng hồ giá rẻ và tầm trung của họ thấp hơn.
Thương hiệu chính của Swatch là Omega cũng gặp khó khăn khi cạnh tranh với Rolex. Ảnh minh họa: Qilai Shen/Bloomberg.
Ban quản trị của tập đoàn Swatch, do gia đình Hayek kiểm soát, đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ các cổ đông về quản trị doanh nghiệp và diễn biến giá cổ phiếu của công ty. Năm nay cổ phiếu của Swatch đã chứng kiến mức giảm khoảng 17%.
Hayek cho hay tập đoàn đang cố gắng giữ lại nhân viên của mình thay vì lựa chọn sa thải. Đây là chiến lược ngắn hạn phổ biến ở các công ty giao dịch đại chúng. Quyết định này giúp công ty chuẩn bị sẵn sàng ngay khi thị trường được cải thiện.
Ông nhấn mạnh rằng nếu họ làm theo cách tiếp cận thông thường, họ sẽ phải giảm hơn 30% lực lượng lao động. Về cơ bản, Swatch đang ưu tiên sự ổn định lâu dài hơn các biện pháp cắt giảm chi phí ngắn hạn.