Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh siết kiểm soát đối với lĩnh vực tài chính nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xa hoa và hưởng thụ...
Một chi nhánh của Ngân hàng Citic Trung Quốc tại Hồng Kông - Ảnh: Reuters
Theo tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhiều tổ chức tài chính nhà nước tại Trung Quốc đang bắt đầu thu hồi tiền thưởng của những năm trước và giảm lương thưởng đối với nhân viên.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh siết kiểm soát đối với ngành tài chính nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xa hoa và hưởng thụ trong lĩnh vực này, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội giữa lúc tăng trưởng kinh tế suy yếu.
Theo 2 nhà quản lý quỹ tại các quỹ đầu tư lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, họ đã bị yêu cầu trả lại một phần tiền lương hàng năm vượt qua mức trần 2,9 triệu nhân dân tệ (tương đương 400.000 USD) mà họ đã nhận được trong vài năm qua. Bên cạnh đó, khoản tiền thưởng dự kiến của năm nay dành cho một trong 2 nhà quản lý quỹ này đã bị hoãn chi trả.
Làn sóng thu hồi tiền thưởng cũng lan sang chi nhánh Hồng Kông của các tập đoàn tài chính nhà nước ở đại lục.
Bắc Kinh thời gian qua nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “các lực lượng sản xuất chất lượng cao” như ngành công nghệ và sản xuất, so với lĩnh vực tài chính. Đây là một phần của chiến dịch toàn quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao. Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh chiến lược vì “sự thịnh vượng chung”.
“Những điều này phù hợp với động thái siết kiểm soát với lĩnh vực tài chính – vốn là lĩnh vực chứng kiến lối sống hưởng thụ và xa hoa và được cho là không có nhiều đóng góp vào các hoạt động kinh tế thực ở Trung Quốc”, ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận xét. “Tuy nhiên, tác động của chiến dịch siết kiểm soát này ở mức độ nào sẽ còn tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng tới tiền lương và nhân sự của ngành”.
Với giám đốc tài chính của các tập đoàn tài chính nhà nước làm việc ở Hồng Kông, điều này không gây bất ngờ.
“Bạn không thể tránh bị ảnh hưởng nếu có hợp đồng lao động và gói lương thưởng nằm dưới sự quản lý của trụ sở ở đại lục”, một giám đốc giấu tên của Citic cho biết.
Các quỹ đầu tư cũng “trở thành nạn nhân” – theo chia sẻ của một quản lý quỹ tương hỗ lớn ở Bắc Kinh. “Các nhân viên ngân hàng làm việc liên quan tới IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đã bị ảnh hưởng, giờ đây đến lượt các nhà quản lý quỹ”, người này cho biết.
“Tất cả quỹ tương hỗ và công ty chứng khoán thuộc sở hữu của các tập đoàn tài chính nhà nước đều bị ảnh hưởng bởi quy định mới”, nhân viên tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh cho biết. “Ban đầu, mục tiêu chính là lãnh đạo và nhân viên lương cao, nhưng giờ đây phạm vi áp dụng đã được mở rộng. Phí công tác trong 5 năm qua của chúng tôi đang bị kiểm tra lại để xem có vượt quá mức tiêu chuẩn không”.
Tại Bắc Kinh, nhiều ngân hàng có vốn nhà nước đang cân nhắc giảm thêm lương thưởng với quản lý cấp cao. Một số quản lý tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) có thể bị giảm thêm 10% lương trong năm nay – theo nguồn tin thân cận của Financial Times. Việc giảm lương được xem xét dựa trên hiệu quả công việc.
Vốn được xem là lĩnh vực “tinh hoa” ở Trung Quốc, ngành tài chính bắt đầu bị các nhà hoạch định chính sách “sờ gáy” kể từ năm 2022, khi một chuyên viên giao dịch trẻ tuổi tại công ty China International Capital Corp khoe tiền lương trên mạng xã hội và vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của công chúng. Làn sóng này nhanh chóng kéo theo một loạt các cuộc điều tra về tham nhũng liên quan tới các nhà quản lý cấp cao cũng như lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong tài liệu công bố sau Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục cải cách hệ thống tài chính và bảo vệ nền kinh tế trước những rủi ro tài chính mang tính hệ thống.
Hồi tháng 4, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã mở một đợt thanh tranh mới nhằm vào 34 cơ quan quản lý kinh tế và tài chính hàng đầu, cùng 4 ngân hàng quốc doanh lớn và một số công ty bảo hiểm quốc doanh lớn. Sang tháng 6, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc bắt đầu tiến hành kiểm toán tại chỗ – một động thái hiếm thấy – với 10 công ty quản lý quỹ tương hỗ hàng đầu nước này.
Về phía các doanh nghiệp tài chính, bên cạnh áp lực giám sát từ cơ quan quản lý, lợi nhuận suy giảm do thị trường chứng khoán đi xuống và khủng hoảng bất động sản cũng là khiến nhiều công ty thắt chặt chi tiêu, ngừng tăng lương và giảm thưởng cho nhân viên.
Trang Linh-Link gốc