Các doanh nghiệp dệt may dần có đơn hàng, trong đó có một số doanh nghiệp có đơn hàng ổn định hết quý 3 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa hàng loạt mặt bằng do sức mua giảm. Thế nhưng, tăng trưởng GDP trong quý 2-2024 khá cao, ước đạt 6,93%. Vì sao?
Với mức tăng 6,93%, tăng trưởng GDP của quý 2-2024 chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2-2022 nếu xét trong 10 năm trở lại đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trong khi không ít chuyên gia nói "bất ngờ" khi số liệu được công bố, một số chuyên gia khác cho rằng mức tăng này có cơ sở, đặc biệt nhờ đầu tư công và sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng trả mặt bằng diễn ra phổ biến tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
GDP tăng cao trong sự "bất ngờ"
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2-2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, TP.HCM (chiếm 15,75% GDP cả nước) và Đồng Nai (chiếm 4,23% GDP cả nước) là hai địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của cả nước với mức tăng lần lượt là 6,5% và 6,8% so với cùng kỳ.
Ông Lê Hoài Ân - CFA, nhà sáng lập Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp - cho rằng tăng trưởng kinh tế quý 2 đã gây bất ngờ với phần lớn các tổ chức dự báo.
Trước đó, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế quý này dù phục hồi nhưng khó có thể trên mức 6%.
"Thậm chí, một số tổ chức còn nhận định tăng trưởng kinh tế quý 2 có thể tăng thấp hơn so với quý đầu năm", ông Ân nói.
Trong thực tế, theo ông Ân, sức cầu tiêu dùng hàng hóa còn khá yếu khi tăng trưởng danh nghĩa chỉ đạt mức 8,8% trong quý 2 và mức 8,6% nửa đầu năm nay, thấp hơn mức 11% cùng kỳ 2023 và thấp hơn nhiều so với trước Covid (12-14%).
TS Lê Quốc Phương, nguyên phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương), cũng bày tỏ "ngạc nhiên" với mức tăng trưởng GDP quý 2 bởi tín dụng - một chỉ tiêu khác để đo lường sức hồi phục của doanh nghiệp - tăng rất thấp, chỉ 4,45%, trong khi VN vẫn là nước tăng trưởng phụ thuộc lớn vào tín dụng.
"Khi tăng trưởng GDP cao vọt, nhiều người sẽ nhìn sang tốc độ tăng trưởng tín dụng để đặt câu hỏi", ông Phương nói. Ông Vũ Quang Việt - nguyên vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc - cũng cho rằng "tăng đến gần 7% ở thời điểm hiện nay là hy hữu, nếu tính đúng".
Ông Lê Hữu Nghĩa - chủ tịch hội đồng thành viên Lê Thành Group - cho rằng căn cứ vào chỉ số GDP trong 6 tháng đầu năm vừa được công bố, có thể nhận định nhiều ngành kinh tế đã phục hồi. Nhưng trên thực tế, rất nhiều ngành vẫn còn khó khăn, nhất là các ngành bán lẻ. Do kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp các hệ thống kinh doanh, chuyển từ bán tại các cửa hàng sang kinh doanh online.
Trong đó, hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp này cũng đang chuyển đổi, giảm số lượng các siêu thị mỹ phẩm ở các vị trí mặt bằng lớn sang thương mại điện tử để tối ưu chi phí. "Nhiều mặt bằng đã giảm đến 30% so với trước, nhưng sức mua giảm sâu khiến làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa thể dừng lại", ông Nghĩa nói.
Nhưng vẫn có nhiều điểm sáng
Trong thực tế, theo ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, dù có không ít doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp tại TP vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, có những doanh nghiệp tăng trưởng 15 - 16%.
Trong đó, các chính sách trợ lực của Nhà nước như giảm 2% thuế VAT, miễn giảm tiền thuê đất và giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp đã tác động tích cực đến thị trường.
Dù thừa nhận khá "bất ngờ" với mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay, nhưng ông Lê Hoài Ân cho rằng khi cầu tiêu dùng còn yếu, tăng trưởng của nền kinh tế đang đến từ hoạt động đầu tư.
Trong đó, đầu tư tư nhân và đầu tư FDI là động lực tăng trưởng lớn trong bối cảnh giải ngân đầu tư công không thể đẩy nhanh như kỳ vọng.
Do tăng trưởng của hoạt động đầu tư quý 2 năm ngoái rất thấp nên hoạt động đầu tư gia tăng mạnh năm nay đã góp phần hỗ trợ xu hướng phục hồi.
Ngoài ra, sự phục hồi đầu tư của tư nhân cũng phù hợp với nỗ lực giải ngân tín dụng của các ngân hàng. "Trong mức tăng tín dụng hơn 4%, phần lớn đến từ việc bơm thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn", ông Ân nói.
Tuy nhiên, ông Ân cảnh báo việc tăng đầu tư tư nhân chủ yếu do tín dụng "gánh" sẽ khó bền vững vì "mấu chốt nền kinh tế vẫn là phải phục hồi được tiêu dùng".
TS Lê Quốc Phương cũng cho rằng dù mức tăng GDP đem lại sự "lăn tăn" với nhiều người, nhưng vẫn có một số cơ sở để giải thích. Trong đó, xuất khẩu tăng tương đối mạnh, vốn đầu tư FDI giải ngân cao nhất trong 5 năm qua, doanh thu du lịch cũng tốt...
Sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực chế biến chế tạo cũng góp phần thúc đẩy GDP tăng. Ngoài ra theo ông Phương, cầu hàng hóa thế giới dần phục hồi do lạm phát có xu hướng giảm, một số ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc có dự định giảm.
"Khi lạm phát hạ, lãi suất giảm, đầu tư và tiêu dùng đều tăng, những nước có tỉ trọng xuất khẩu lớn như VN sẽ được hưởng lợi", ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cảnh báo sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt.
"Lĩnh vực thương mại, bán lẻ ghi nhận sức mua suy giảm đáng kể, có một số ngành hàng giảm tới 50 - 60% và dự báo tiếp tục giảm 10% trong các tháng tới", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh - giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh - cho biết các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn chưa có các tín hiệu gia tăng đơn hàng, một số doanh nghiệp giảm nhẹ lượng đơn hàng, song doanh nghiệp kỳ vọng giai đoạn cuối năm đơn hàng sẽ tăng trở lại.
* Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê):
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ
Trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ, một số có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 34,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 20,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,8%...
Chỉ có một số ngành giảm so với cùng kỳ năm trước như sản xuất thiết bị điện giảm 6,5%, sản xuất xe có động cơ giảm 2,2%.
Sự phục hồi của khu vực công nghiệp xây dựng cũng là điểm sáng giúp tăng trưởng GDP 6 tháng tăng cao hơn.
* TS Ngô Trí Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):
Tăng trưởng cao một phần nhờ ngoại lực
Tăng trưởng GDP cao trong khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn phản ánh nội lực của nền kinh tế còn yếu, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào ngoại lực, vào các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Nhưng tăng trưởng đến từ khu vực FDI cũng là lời cảnh báo về sức khỏe khu vực doanh nghiệp trong nước còn yếu. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong 6 tháng cũng có đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung.
Kinh doanh dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy trên các tuyến đường thời trang trung tâm TP.HCM như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng..., khá nhiều mặt bằng để trống và các bảng cho thuê mặt bằng dán khắp nơi.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, do gặp nhiều khó khăn, một số thương hiệu bán lẻ lớn đã buộc phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu.
Ngoài ra, do buôn bán ế ẩm, nhiều hàng quán trên nhiều tuyến đường, khu thương mại sầm uất trước đây đã trả lại mặt bằng hàng loạt.
Doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng nhỏ
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết biên lợi nhuận của các doanh nghiệp đang rất thấp, cạnh tranh đơn hàng gay gắt dẫn đến lợi nhuận trên mỗi đơn hàng rất nhỏ giọt.
"Các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc kéo đơn hàng về, dù có đơn hàng nhưng lãi rất thấp nên chúng tôi ưu tiên có việc làm, có dòng tiền và giữ việc cho người lao động", ông Tống nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khánh - phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - nhận định sức mua trên thị trường vẫn chưa cải thiện, dẫn đến đơn hàng đối với ngành da giày chưa tăng, doanh nghiệp phải tìm kiếm những đơn hàng nhỏ để duy trì sản xuất.