Du khách tắm biển Đại Nam. (Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương)
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, với 29 khu công nghiệp và nhiều khu đô thị hiện đại.
Tuy nhiên, dù có tiềm năng du lịch đa dạng, Bình Dương vẫn thiếu những điểm nhấn nổi bật để thu hút khách du lịch và cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, sau COVID-19, du lịch Bình Dương đã phục hồi đáng kể, đón và phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách trong năm 2023, với 278.000 lượt khách quốc tế.
Doanh thu du lịch đạt khoảng 1.695 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 48,5% so với năm 2019, là thời điểm trước ảnh hưởng của COVID-19.
Những tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Bình Dương đã tăng đáng kể.
Đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Bình Dương đón 151.000 lượt khách du lịch, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế là 6.000 lượt, khách nội địa là 145.000 lượt. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch Bình Dương tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu, quan tâm đầu tư dịch vụ chất lượng nhằm thu hút du khách, đặc biệt là trong dịp Hè.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, cho biết để kích cầu du lịch nội địa năm 2024, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch chủ trì phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phát động, quảng bá chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” đến các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư với nhiều hình thức như thông qua website, app du lịch, mạng xã hội... của từng đơn vị và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, cho biết đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 254 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch với 7.318 phòng và 535 đơn vị hộ kinh doanh với 6.827 phòng. Trong đó, chỉ có 28 khách sạn xếp hạng sao (1 khách sạn 5 sao, 3 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao và 19 khách sạn 1-2 sao), chiếm 3,5% tổng số cơ sở lưu trú.
Số lượng khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế so với nhu cầu ngày càng tăng của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế và những người đến Bình Dương công tác. Việc phát triển thêm các khách sạn cao cấp là cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong tương lai.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, hỗ trợ cho khoảng 20 dự án xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp khách sạn, 10 dự án xây dựng homestay, 10 dự án xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, hỗ trợ gần 100 người lao động trên 18 tuổi ở tỉnh được đào tạo nghề du lịch và khoảng 50 lớp bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức 60 chương trình xúc tiến du lịch trong nước, 30 chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài.
Chương trình nhạc nước biểu diễn trên sông Sài Gòn đoạn phố đi bộ Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là điểm thu hút đông du khách. (Ảnh: TTXVN phát)
Đến nay, sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh Bình Dương mới đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách và người dân.
Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tham mưu chủ trương để xây dựng các chính sách như: Hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn từ 30-50 triệu đồng/phòng ngủ cho các dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, mức hỗ trợ tối đa từ 1,5-5 tỷ đồng/dự án.
Đối với dự án sửa chữa, nâng cấp, mức hỗ trợ từ 30 triệu đồng/phòng ngủ, tối đa từ 2,4-3 tỷ đồng/dự án.
Còn đối với chính sách hỗ trợ xây dựng homestay, Sở đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/công trình xây dựng mới và 50 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.
Mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp kinh doanh du lịch, Bình Dương có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để giữ chân du khách lâu dài. Vì vậy, Sở đề xuất hỗ trợ 20% chi phí đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, tối đa không quá 300 triệu đồng.
Mục tiêu là thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc sắc như mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống...
Những chính sách này không chỉ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho người dân mà còn tăng sự hấp dẫn của du lịch Bình Dương.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, công tác tuyên truyền, xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng song chưa được thực hiện thường xuyên và chuyên nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, Sở đề xuất hỗ trợ 20% chi phí tham gia chương trình xúc tiến du lịch, với mức hỗ trợ tối đa từ 30-100 triệu đồng tùy theo quy mô và địa điểm chương trình. Mục tiêu là quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương đến với đông đảo du khách và nhà đầu tư...
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch tại Bình Dương là một bước đi chiến lược và mang tính bền vững.
Những đề xuất chính sách để kích cầu du lịch không chỉ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo từ các mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống mà còn thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Qua đó, giúp Bình Dương nâng cao thương hiệu du lịch, thu hút đầu tư và khách du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân địa phương, xây dựng một cộng đồng du lịch chuyên nghiệp, bền vững, góp phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh./.