Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy các rủi ro trong chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng đang làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với các công ty Nhật Bản.
Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu Teikoku Databank ở Tokyo, tổng cộng có 13.034 công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính đến tháng Sáu, giảm 9,4% so với mức đỉnh điểm năm 2012. So với lần gần nhất thực hiện khảo sát này vào năm 2022, con số này tăng 328 công ty, sau khi giảm trong ba cuộc khảo sát trước đó
Dù số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc có tăng nhẹ như vậy, nhưng các tác giả của báo cáo cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đang mất dần hứng thú với việc kinh doanh tại Trung Quốc. Ông Daisuke Iijima, một chuyên gia nghiên cứu tại Teikoku Databank, cho biết chi phí lao động, yếu tố từng thu hút nhiều công ty Nhật Bản đến Trung Quốc, đã tăng gấp đôi trong khoảng 10 năm qua, trong khi căng thẳng với Mỹ đang làm tăng những rủi ro cho môi trường kinh doanh.
Ông cho biết ngày càng có nhiều công ty nhìn thấy rủi ro của việc đặt Trung Quốc vào trung tâm trong chuỗi cung ứng của họ, nên đang hợp nhất các công ty con ở Trung Quốc hoặc chuyển các công ty này đến Đông Nam Á.
Theo loại hình, các công ty chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, 39%, trong số các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc. Báo cáo của Teikoku lưu ý rằng có nhiều công ty liên quan đến sản xuất ô tô, điện tử hoặc bán dẫn. Trong khi đó, Mỹ đã ban hành các rào cản thương mại nhằm hạn chế xe điện, pin Mặt trời và các sản phẩm khác nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các báo cáo tương tự cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang dần mất đi sức hấp dẫn. Năm 2023, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã khảo sát hơn 500 công ty Nhật Bản về quốc gia có tiềm năng để phát triển kinh doanh trong ba năm tới. Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng, vị trí thấp nhất kể từ năm 2014.
Nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và là một thị trường hấp dẫn. Sự ưa chuộng ẩm thực Nhật Bản của người dân nước này đang khuyến khích các nhà hàng Nhật Bản đến Trung Quốc. Trong đó, công ty Toridoll Holdings đã mở chi nhánh đầu tiên của thương hiệu nhà hàng thịt bò Niku no Yama Gyu tại Thượng Hải vào mùa Hè này.
Ngành công nghiệp chăm sóc người cao tuổi cũng đang tìm kiếm cơ hội khi dân số Trung Quốc đang già hóa. Yamashita, công ty cho thuê và bán thiết bị chăm sóc điều dưỡng tại Nhật Bản, đã thành lập một công ty tại Thượng Hải vào tháng Ba để mở rộng hoạt động kinh doanh tại đó.
Khánh Ly-Link gốc