Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, vốn đầu tư cao tốc Cao Lãnh-An Hữu tăng hơn 761 tỷ đồng hoặc 807 tỷ đồng, chủ yếu do tốn nhiều chi phí xử lý nền đất yếu; nguyên vật liệu xây dựng tăng giá.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 (thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu giai đoạn 1), mức vốn đầu tư dự án này sẽ tăng hơn 761 tỷ đồng hoặc 807 tỷ đồng (tùy phương án được chọn thực hiện) so với mức vốn sơ bộ ban đầu đưa ra trong dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 24/6/2022.
Qua báo cáo nghiên cứu khả thi cho thấy, đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án thực hiện dự án thành phần 1 để tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu, lựa chọn; trong đó phương án 1 có xây dựng 4,557km đường gom dân sinh, tổng mức đầu tư nâng lên 4.401 tỷ đồng; phương án 2 có xây dựng 7,824km đường gom dân sinh, tổng mức đầu tư nâng lên 4.447 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết mức vốn đầu tư tăng chủ yếu do tốn nhiều chi phí để xử lý nền đất yếu; nguyên vật liệu xây dựng tăng giá, nhất là cát; tốn thêm nhiều kinh phí xây dựng đường gom dân sinh…
Với đặc thù của vùng Đồng Tháp Mười, tuyến cao tốc Cao Lãnh-An Hữu chủ yếu đi qua khu vực nền đất yếu. Do vậy, chi phí xử lý nền đất yếu tăng cao, chiếm 85% chi phí phần tuyến, trong khi đó, ở bước nghiên cứu tiền khả thi dự kiến xử lý nền đất yếu chỉ chiếm 30% chi phí phần tuyến. Bên cạnh đó, bổ sung phạm vi nút giao tạm với đường ĐT.847; mật độ cầu xây dựng trên tuyến khá dày nên tốn thêm nhiều chi phí.
Tổng chiều dài dự án thành phần 1 là 16 km nhưng phải xây tới 18 cây cầu; trong đó có những cây cầu dài hơn 250 m như: cầu Đường Thét, cầu Hội Đồng Tường…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc An Hữu-Cao Lãnh của tỉnh hai phương án mà đơn vị tư vấn đưa ra để xem xét, cho ý kiến.
Ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định việc xây dựng cao tốc Cao Lãnh-An Hữu rất có ý nghĩa đối với Đồng Tháp trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giúp kết nối với nhiều tuyến giao thông trọng điểm, liên kết vùng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu, đơn vị tư vấn tính toán lại từng khoản chi phí; trong đó có giá cát, chi phí xây dựng, thiết bị; tính toán lưu lượng xe và thiết kế xây dựng phù hợp; rút ngắn thời gian hoàn thành dự án (có thể là vào tháng 10/2025).
Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, giai đoạn 1 dự kiến có tổng chiều dài 27,43km, qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang với tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng.
Dự án này chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án thành phần 1 dài 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 458 tỷ đồng); dự án thành phần 2 dài 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng.
Dự án thành phần 1 của cao tốc Cao Lãnh-An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, điểm cuối giao với tuyến đường tỉnh ĐT.850 (cùng thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), dự kiến tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Nhu cầu sử dụng đất cho dự án thành phần 1 là hơn 100ha./.
Theo Nhựt An