Năm 2022, Quảng Ngãi thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp (CN). Tuy nhiên, lĩnh vực này được dự báo có rất nhiều thách thức trong năm 2023, do một số sản phẩm chủ lực sụt giảm.
Năm 2022, công nghiệp tăng trưởng khá
Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số sản xuất CN năm 2022 ước đạt 106% so với năm 2021, tăng 3% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất CN ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021, tăng 0,3% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị sản xuất CN ngoài dầu tăng 5,93% so với năm 2021 và tăng 0,8% kế hoạch năm 2022.
Cảng xuất sản phẩm của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: H.P
Một số sản phẩm chủ lực như thép và dầu ước đạt 100% kế hoạch năm. Cụ thể, sản lượng thép là 5,5 triệu tấn, đạt 100%; sản phẩm lọc hóa dầu là 6,9 triệu tấn, đạt 100%. Một số sản phẩm CN mang tính truyền thống đạt 100% kế hoạch năm, gồm: Bánh kẹo các loại đạt 12 triệu tấn; nước khoáng 120 triệu lít; tinh bột mì 55 nghìn tấn. Một số sản phẩm CN khác tăng mạnh, như bia các loại 230 triệu lít, vượt 35,3%; điện sản xuất 1.860 triệu kWh, vượt 28,3%; giày da các loại 15 triệu đôi, vượt 11%... Một số sản phẩm CN xuất khẩu trong KCN VSIP Quảng Ngãi đã được các doanh nghiệp (DN) chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn, mang lại giá trị cao hơn các năm trước như ghế sofa, tròng mắt kính. Một số DN mở rộng thị trường xuất khẩu tại các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan...
Tuy nhiên, có một số sản phẩm không đạt kế hoạch năm 2022 đề ra, như sữa các loại 80 triệu lít, đạt 89%; điện thương phẩm 2.230 triệu kWh, đạt 99%; dăm gỗ nguyên liệu giấy 960 nghìn tấn, đạt 80%...
Dự báo nhiều khó khăn trong năm 2023
Dựa trên tình hình thực tế của tỉnh, Sở KH&ĐT đã dự báo thời cơ, thuận lợi, hạn chế, thách thức sẽ tác động đến tăng trưởng CN của tỉnh trong năm 2023. Theo đó, dự báo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ dừng hoạt động khoảng 2 tháng để bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5; sản lượng năm 2023 dự kiến khoảng 6,1 triệu tấn (tương đương năm 2017). Sản lượng thép năm 2023 sẽ giảm 50% so với năm 2022, còn chỉ từ 2,5 - 3 triệu tấn, do thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, 4/7 lò cao của Thép Hòa Phát, gồm 2 lò cao ở Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Hải Dương phải dừng hoạt động, vì sản phẩm tiêu thụ chậm. Hiện tại, lượng tồn kho khá lớn, kể cả tồn kho thành phẩm và tồn kho nguyên vật liệu.
Vận hành phát điện tại Nhà máy Thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây).
Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, cứ giảm 100 nghìn tấn thép, tương đương với giảm 0,1% tăng trưởng CN của tỉnh. Năm 2022, CN tăng trưởng là do sản phẩm dầu tăng, còn thép chỉ giảm nhẹ. Nhưng sang năm 2023, cả 2 sản phẩm này đều giảm, đặc biệt là thép, vì thế tỉnh cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng CN ngoài dầu và thép.
Cần giải pháp hỗ trợ
Năm 2023, Quảng Ngãi dự kiến có sản phẩm CN mới tại KCN VSIP Quảng Ngãi là xăm lốp, sợi thép bện, với sản lượng lớn. Tuy nhiên, tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đưa vào hoạt động trong năm 2023. Cũng theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, sản phẩm CN ngoài dầu, thép sẽ tăng khoảng 10%, nhưng sự sụt giảm của 2 sản phẩm chủ lực (dầu và thép) quá lớn, dẫn đến sự tăng trưởng này không thể bù đắp được.
Tàu vào cảng nước sâu Dung Quất nhận hàng xuất khẩu ra nước ngoài.
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương nhận định, năm 2023, dự báo lạm phát trên thế giới sẽ tăng cao, dẫn đến thu hút nguồn vốn FDI vào Quảng Ngãi cũng sẽ khó khăn. Chỉ số CN giảm, thì việc làm cũng sẽ giảm, đời sống một bộ phận người lao động sẽ giảm theo, dẫn đến khối dịch vụ sẽ giảm. Vì thế, tỉnh cần phải có quyết sách phù hợp, chắt chiu từng cơ hội nhỏ để tăng trưởng CN. Còn Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện cho rằng, để hạn chế sụt giảm sản lượng dầu, thì cần tập trung rút ngắn thời gian bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Sở KH&ĐT đã đưa ra dự báo, năm 2023, các ngành CN ngoài dầu, thép tăng khoảng 9- 10%; ngành dịch vụ tăng khoảng 9 - 10%. Hiện tại, Sở KH&ĐT đang tính toán và tham mưu cho tỉnh chọn phương án tăng trưởng CN năm 2023. Đồng thời, kiến nghị tỉnh rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành CN theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về "huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển CN", nhằm tạo cơ sở, khung pháp lý cho phát triển CN phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án: "Tái cơ cấu ngành CN tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; "Phát triển CN hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Tập trung phát triển các ngành CN hỗ trợ cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim; phát triển các ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thu hút các dự án công nghiệp để duy trì tăng trưởng
Tăng trưởng CN năm 2022 có sự đóng góp lớn từ KKT Dung Quất, đặc biệt là tỉnh tập trung thu hút đầu tư của các dự án lớn để duy trì nhịp độ và tăng trưởng những năm tới. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 5 dự án, với tổng vốn đăng ký 1.784 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án FDI, với vốn đăng ký 74,82 triệu USD; đồng thời tỉnh điều chỉnh tăng vốn 6 dự án, với số vốn đăng ký tăng thêm là 728 tỷ đồng.