Tôm sú Cà Mau - một sản phẩm có chất lượng cao, được nhiều người bết đến được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Ngày 28-4, trong buổi tổ chức họp mặt doanh nghiệp, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã đón nhận chỉ dẫn địa lý.
Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Sở Khoa học – Công nghệ Cà Mau.
Cà Mau có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước với khoảng 280.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặm đạt khoảng 80.000ha. Đây được xem là mô hình nuôi tôm sú cho chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có khoảng 50.000ha đất làm mô hình lúa - tôm, cũng giúp tạo ra sản phẩm tôm sú có chất lượng cao.
Tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, GlobalGAP... Thời gian qua, sản lượng và giá xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn đứng đầu cả nước.
Không chỉ có tiếng ở thị trường trong nước, sản phẩm tôm sú Cà Mau đã được xuất khẩu qua 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ thương hiệu tôm sú đã có tiếng, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Trung tâm Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn) xây dựng chỉ dẫn địa lý và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau”.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển ngành hàng chủ lực tôm. Các doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế biến tôm... đang đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển ngành hàng tôm của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề nguồn giống chất lượng cao và lĩnh vực chế biến tôm của Cà Mau vẫn cần được đầu tư nhiều hơn.
Tại buổi họp mặt, có 3 doanh nghiệp được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau” là Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú và Công ty CP chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, cho biết: “Tôm sú Cà Mau luôn duy trì được danh tiếng nhờ phương pháp sản xuất đước tích lũy từ lâu đời. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tôm sú không chỉ là sự nghi nhận của Nhà nước mà còn là thể hiện niềm tin của người tiêu dùng. Việc bảo hộ “Tôm sú Cà Mau” mới là bước khởi đầu, thời gian tới việc tổ chức, quản lý chỉ dẫn địa lý cần xây dựng các chính sách, bộ máy quản lý nhà nước hoàn trỉnh nhằm bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc, danh tiếng của sản phẩm”.