Từ nhu cầu của các nước nhập khẩu đối với các dòng gạo chất lượng cao, sản xuất gạo của Việt Nam cũng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các loại gạo cao cấp và đạt được nhiều thành công.
Vận chuyển gạo từ sà lan lên container xuất khẩu tại Tân Cảng Sa Đéc. Ảnh: TL
Hướng lên dòng gạo chất lượng cao
Phát biểu tại hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 22/6, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty CP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) chỉ ra rằng, việc Philippines – thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam, chuyển từ nhập khẩu gạo chất lượng trung bình sang nhập khẩu gạo chất lượng cao đã tạo ra cú hích rất lớn cho ngành gạo Việt Nam. Theo đó, sản xuất lúa gạo đã dịch chuyển từ gạo phẩm cấp thấp sang các loại gạo thơm, chất lượng cao.
Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2018-2019, diện tích sản xuất lúa IR 50404 (sản phẩm chất lượng trung bình) chiếm khoảng 21% tổng diện tích sản xuất của toàn ngành, thậm chí, những năm trước tỷ lệ này còn chiếm tới 30-40%. Trong khi đó, giống lúa chất lượng cao như OM 5451 chỉ chiếm 5% và Đài Thơm 8 chiếm khoảng 7% tổng diện tích. Tuy nhiên, đến vụ Đông Xuân 2021-2022, giống Đài Thơm 8 đã tăng tỷ lệ lên 26%, OM 18 chiếm 13%, OM 5451 chiếm 8%. Còn giống IR 50404 thu hẹp xuống còn dưới 10%. Ông Diệu đánh giá đây là bước dịch chuyển rất quan trọng và thành công từ phía sản xuất của ngành gạo Việt Nam bằng lực kéo của thị trường.
Tương ứng với diện tích canh tác, vào năm 2016, tổng khối lượng gạo IR 50404 xuất khẩu đạt khoảng 1,9 triệu tấn, song đến năm 2021 khối lượng này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 600.000 tấn. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu của giống OM 5451 đã tăng từ mức khoảng 100.000 tấn vào năm 2016 lên khoảng 1 triệu tấn vào năm 2021 và giống Đài Thơm 8 chưa xuất hiện trên bảng thống kê xuất khẩu năm 2016 thì đến năm 2021 đã nhảy vọt lên con số khoảng 2,3 triệu tấn.
Tuy nhiên, ông Diệu cũng đặc biệt lưu ý về việc trước đây ngành gạo Việt Nam đã gặp bẫy gạo phẩm cấp thấp từ thị trường tập trung cũng như tiểu ngạch đi Trung Quốc và đặt vấn đề về việc liệu câu chuyện này có quay trở lại trong tương lai hay không. Theo đó, thách thức này cần có những giải pháp căn cơ của các nhà điều hành chính sách cũng như các địa phương.
Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế hội nhập cũng nêu lên rằng, hiện người tiêu dùng trong thế giới mở chú trọng vào “ăn ngon mặc đẹp”, với ý thức ăn gì để cho khoẻ, đẹp. Điều này dẫn tới bài toán là ăn gì có lợi cho sức khoẻ. Vì thế, bên cạnh vấn đề an ninh lương thực, tăng số lượng thì còn phải tập trung để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Gạo ST25 là ví dụ tốt cho hướng đi này.
Về vấn đề giá gạo xuất khẩu, theo bà Thùy, để có được giá bán tốt, bên cạnh vấn đề chất lượng, giống, quy trình sản xuất thì yếu tố thương hiệu là khâu khó nhất và cũng ít người làm nhất. Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, xuất khẩu nhiều nhưng rất ít DN Việt xuất khẩu sử dụng thương hiệu chính mình. Bởi lẽ DN Việt còn chưa thực sự ý thức về việc làm thương hiệu trên thị trường nước ngoài.
Cạnh tranh sòng phẳng với gạo Thái Lan
Đánh giá về sức cạnh tranh của gạo Việt Nam với đối thủ Thái Lan, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tân Long Group cho rằng, Việt Nam có lợi thế về sự đa dạng của giống gạo, trong đó có nhiều giống gạo ngắn, gạo tròn mà Thái Lan, Campuchia không có. Tương tự, các giống gạo dài Thái Lan, Campuchia cũng không có.
Đặc biệt, Việt Nam có các giống gạo thơm rất đa dạng. “Gạo thơm đang thâm nhập các thị trường mới. Một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích gạo thơm của Việt Nam, kể cả nhập khẩu tấm họ cũng chọn gạo thơm. Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều gạo ST21 của Việt Nam, giá gạo ST21 từng rất cao, giá gạo Japonica cũng cao hơn gạo dài” – ông Trung cho biết.
Với thị trường Philippines, ông Trung cho biết người dân Philippines thích gạo Việt Nam hơn gạo Thái Lan. Bên cạnh nguyên nhân do mức sống thì điều này còn do thị hiếu của người Philippines. Do đó, Thái Lan không cạnh tranh được với Việt Nam ở thị trường này.
Ông Phạm Quang Diệu cũng nhìn nhận, trong 5-7 năm gần đây, các thương nhân quốc tế đều công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Thậm chí, thương nhân Thái Lan đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam có thể khiến Thái Lan mất thị phần. Đáng chú ý, gạo nếp của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đột biến khi chiếm tới 70%-80% trên tổng lượng xuất khẩu khoảng 600- 700 nghìn tấn của toàn thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nguồn cung và chất lượng gạo không ổn định. Hiện gạo ST 24, ST 25 không đủ bán. Do đó, theo ông Trung, cần có kế hoạch tăng diện tích vùng canh tác. DN phải có kế hoạch dài hạn, cần có giống tốt, bảo quản tốt, lưu trữ xử lý sau thu hoạch bài bản. Giống gạo ngon nhưng để quá lâu, ách tắc vận chuyển, xử lý sau thu hoạch chậm thì gạo cũng bị giảm chất lượng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả chỉ cần chậm xuất đi nước ngoài là bị trả lại.