Theo lãnh đạo TP.HCM, đề xuất Hóc Môn lên quận hay thành phố trong thời gian tới vẫn đang được thành phố xem xét, chưa quyết định. Thời điểm này không bàn quá nhiều về vấn đề này để tránh gây hệ luỵ sốt đất, người dân không được hưởng lợi gì.
Đó là chỉ đạo của Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong buổi làm việc với lãnh đạo của huyện Hóc Môn sáng 8/6.
Lên quận hay thành phố?
Trước đó, huyện Hóc Môn đề xuất Thành uỷ TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng đề án “Đầu tư - Xây dựng huyện Hóc Môn thành TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030”.
Liên quan đề xuất này, Bí thư Nên cho biết, thành phố hoan ngênh nguyện vọng chính đáng của lãnh đạo huyện. Hóc Môn là địa phương còn nhiều tiềm năng phát triển, thu hút người dân về sinh sống.
Tuy nhiên, ông Nên cho rằng, trước mắt Hóc Môn cần xử lý các vấn đề còn tồn tại nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm ăn, phát triển.
Bí thư TP.HCM đề nghị huyện Hóc Môn tiếp tục thực hiện các công việc để đạt tiêu chí lên quận như kế hoạch cũ, còn tiếp tục phát triển thế nào, thành phố sẽ xem xét.
Trong số 5 huyện của TP.HCM có kế hoạch xây dựng lên quận, thành phố trước đó, Hóc Môn mới chỉ đạt 22/30 tiêu chí. Xếp trên Cần Giờ, sau các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi.
Theo lãnh đạo TP.HCM, thời điểm này khoan nói nhiều, khoan bàn nhiều về việc Hóc Môn sẽ lên quận hay thành phố, tránh ồn ào mua bán đất, không có lợi gì cho người dân.
Cẩn trọng sập bẫy cò đất
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh quỹ đất trung TP.HCM đang gần cạn, giá nhà đất quá cao thì chiến lược phát triển đô thị vệ tinh ở vùng ven là tất yếu.
Xu hướng này vừa giảm tải cho khu vực trung tâm, vừa kích thích tiềm năng của các khu vực còn nhiều dư địa về quỹ đất, giá rẻ. Thu hút doanh nghiệp về đâu tư khu đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đó nâng cao chất lượng đời sống cho người dân hiện hữu và kéo lượng lớn người dân từ các khu vực đông đúc về đây sinh sống.
Vậy nên những thông tin liên quan đến đề xuất lên quận hay thành phố tại những khu vực này luôn nhận được sự quan tâm của người dân, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Anh Hưng, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, đây là những thông tin tích cực cho thị trường bất động sản, nhà đầu tư kinh nghiệm đều sẽ nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, họ không vội xuống tiền mà nghe ngóng tình hình thêm vì đây chỉ mới là đề xuất và cần có một lộ trình lâu dài mới thực hiện. Nếu đầu tư sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp, chuẩn pháp lý và tầm nhìn dài hạn.
Ngược lại, có những nhóm đầu cơ, cò đất lợi dụng thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất trên để “bơm thổi” thị trường khiến giá đất tăng ảo, không phản ánh đúng giá trị thật.
Ghi nhận thực tế, ngay từ khi TP.HCM có kế hoạch xây dựng Hóc Môn và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ thì giá bất động sản ở những khu vực này đã có nhiều lần biến động.
Cuối tháng 4/2022, thông tin Củ Chi được đề xuất lên thành phố, Hóc Môn lên quận kết hợp với việc thành phố mời gọi đầu tư hơn 50 dự án ở khu vực này khiến giá đất bật tăng mạnh.
Thời điểm đó, một môi giới tại Củ Chi cho biết, giá đất vườn trước đây có giá chỉ từ 2 – 3 triệu đồng/2 thì nay tăng gần gấp đôi. Đất vườn lên được thổ cư hoặc bao gồm thổ cư, giá trung bình 10 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021.
Đất tại đường lớn giá trung bình trên dưới 15 triệu đồng/m2. Đất thổ cư diện tích nhỏ dưới 100 m2 giá trung bình 20 triệu đồng/m2. Đất dự án có giá 16-18 triệu đồng/m2.
Tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, đất nông nghiệp đang được trồng rau cũng được rao bán tới 2,4 tỷ đồng/sào. Các miếng đất lớn từ 2.000 – 3.000m2 đều tăng giá từ 500 triệu – 1 tỷ đồng so với trước đó.
Theo anh Hưng, khi chưa có thông tin rõ ràng thì người mua đất ở khu vực Củ Chi, Hóc Môn hay các huyện khác đang có kế hoạch lên quận, thành phố khác phải tỉnh táo để không sập bẫy của cò đất.
Đặc biệt, nên cẩn trọng khi nhiều cò đất còn cam kết bao xây dựng, chuyển được đất lên thổ cư. “Đây là chiêu phổ biến để họ lôi kéo người mua, nếu không nắm rõ quy hoạch thì dễ tiền mất tật mang”, anh Hưng nói.