“Thị trường đang có nhiều sự bi quan. Lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh, củng cố khả năng Fed giữ đà tăng lãi suất quyết liệt”...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ vào ngày thứ Hai (5/9), trong khi thị trường chứng khoán châu Âu trải qua một phiên bán tháo vì giá khí đốt tăng bùng nổ trong bối cảnh khu vực này bị Nga “siết van”. Quyết định giảm nhẹ sản lượng của OPEC+ đưa giá dầu bật tăng sau khi giảm mạnh trong tuần trước.
Vào buổi tối ngày thứ Hai theo giờ Mỹ, tức sáng sớm nay (6/9) theo giờ Việt Nam, chỉ số Dow Jones tương lai tăng 0,38%; Nasdaq tương lai tăng 0,71%; và S&P 500 tương lai tăng 0,25%.
Phiên ngày thứ Hai, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lao động (Labor Day).
Tuần trước, chứng khoán Mỹ có tuần giảm thứ ba liên tiếp. Phiên ngày thứ Sáu, cả ba chỉ số đồng loạt giảm mạnh khi thị trường bị phủ bóng bởi lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát và sự thắt chặt đó có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Nasdaq giảm 1,3% trong phiên ngày thứ Sáu, ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm không nghỉ đầu tiên kể từ năm 2019. Dow Jones mất 1,1%; và S&P 500 cũng giảm 1,1%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực sụt hơn 0,6% trong phiên đầu tuần. Mức giảm lớn nhất thuộc về hai thị trường Đức và Pháp, với chỉ số DAX của chứng khoán Đức trượt 2,22% và CAC 40 của Pháp mất 1,2% điểm số.
Câu chuyện giá khí đốt là vấn đề gây áp lực giảm chính lên giá cổ phiếu ở châu Âu trong phiên đầu tuần. Nga tuyên bố sẽ chỉ mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 chừng nào châu Âu dỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Giá khí đốt giao sau tại thị trường châu Âu tăng hơn 25% khi đóng cửa phiên ngày thứ Hai, trong phiên có lúc tăng khoảng 40%.
Hôm thứ Năm tuần trước, Nga bắt đầu khoá Nord Stream 1 trong 3 ngày với lý do để sửa chữa một vị trì rò rỉ dầu tại một turbine. Tuy nhiên, đến ngày thứ Bảy, Nga không mở lại đường ống này như kế hoạch ban đầu, nói rằng lại phát hiện thêm sự cố cần khắc phục.
Động thái khoá van Nord Stream 1 của Nga diễn ra giữa lúc phương Tây tăng cường trừng phạt Nga. Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) hôm thứ Sáu đã nhất trí áp trần giá lên dầu thô xuất khẩu của Nga.
Giá dầu gần đây giảm mạnh vì nỗi lo lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong cuộc họp ngày 5/9, OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, nhất trí giảm nhẹ sản lượng từ tháng 10. Động thái này của OPEC+, dù đã được một số chuyên gia dự báo từ trước, vẫn khiến thị trường ngạc nhiên.
Theo quyết định được đưa ra, OPEC+ sẽ giảm sản lượng mục tiêu 100.000 thùng/ngày từ tháng 10 cho tới khi có quyết định tiếp theo.
Mới tháng trước, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thêm 100.000 thùng/ngày. Đợt tăng sản lượng khiêm tốn đó được xem là phản hồi của nhóm này với lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Saudi Arabia. Trong chuyến thăm, ông Biden đề nghị Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - tăng sản lượng dầu để kéo giá dầu xuống trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và lạm phát tăng chóng mặt.
Trong tuyên bố ngày thứ Hai, OPEC+ giải thích về quyết định giảm sản lượng rằng việc tăng sản lượng trong cuộc họp tháng 8 chỉ nhằm áp dụng cho tháng 9, nên từ tháng 10, hạn ngạch sản lượng của nhóm sẽ giảm về mức cũ. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ bắt đầu vào ngày 5/10.
Giá dầu có lúc tăng vọt trong phiên ngày thứ Hai, nhưng sau đó không giữ được đỉnh giá của phiên.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa với mức tăng 2,21 USD/thùng, tương đương tăng gần 2,4%, chốt ở 95,23 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York lúc gần 6h sáng nay theo giờ Việt Nam tăng 2,2 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, tương đương tăng 2,5%, đứng ở 89,07 USD/thùng.
Giá dầu từ đầu tháng 6 đến nay đã giảm khoảng 25%, sau khi đạt mức cao nhất 14 năm vào tháng 3. Tuần trước, giá dầu Brent giảm 7,9% và giá dầu WTI mất 6,7%.
Tuần này, giới đầu tư sẽ tiếp tục dõi theo các phát biểu của các quan chức Fed, các số liệu kinh tế Mỹ, và cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
“Thị trường đang có nhiều sự bi quan. Lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh, củng cố khả năng Fed giữ đà tăng lãi suất quyết liệt”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.