138 quốc gia, chiếm hơn 90% sản lượng kinh tế toàn cầu, đã nhất trí dự thảo đầu tiên của thỏa thuận đa quốc gia về cách thức đánh thuế các công ty đa quốc gia có hoạt động trên khắp thế giới.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 11/10 công bố dự thảo công ước thuế nhằm đảm bảo sự công bằng hơn về thu thuế tính trên lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia.
OECD nhắc lại tiến bộ đạt được hồi tháng 7 khi có 138 quốc gia, chiếm hơn 90% sản lượng kinh tế toàn cầu, đã nhất trí dự thảo đầu tiên của thỏa thuận đa quốc gia về cách thức đánh thuế các công ty đa quốc gia có hoạt động trên khắp thế giới.
Đến nay, thỏa thuận này vẫn chưa được ký kết do những lo ngại từ các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Brazil và Colombia.
Theo thỏa thuận, các công ty đa quốc gia lớn sẽ phải trả một số thuế trên lợi nhuận ở những quốc gia nơi các công ty kinh doanh.
Quy định này sẽ chỉ áp dụng cho các công ty lớn nhất có doanh thu toàn cầu vượt quá 20 tỷ euro (21 tỷ USD) và dự kiến, thỏa thuận này khi được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 công ty.
Khoản thuế bổ sung sẽ được phân bổ tương ứng giữa các quốc gia nơi công ty đạt doanh thu ít nhất 1 triệu euro.
Trên thực tế, các công ty đa quốc gia, đặc biệt là công ty công nghệ, hiện có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận từ một nước sang nước khác có thuế suất thấp hơn, dù các công ty này chỉ hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ ở nước đó.
Năm 2021, các cuộc thảo luận do OECD đứng đầu đã đạt thỏa thuận về mức đánh thuế tối thiểu 15% và nghiên cứu các quy định về việc đánh thuế các công ty đa quốc gia như thế nào để các nước không thiệt hại vì hoạt động chuyển lợi nhuận này. Loại thuế này dự kiến được áp dụngthực thi từ đầu năm 2024.
Công ước thuế này cần được các nước ký kết và sau đó được phê chuẩn tại cơ quan lập pháp của các quốc gia.
Để có hiệu lực, văn kiện này phải được ít nhất 30 quốc gia, nơi tập trung ít nhất 60% các công ty đa quốc gia đặt trụ sở, thông qua. Gần một nửa số công ty này có trụ sở tại Mỹ./.