Chương trình Chuyển đổi Số tỉnh An Giang đưa ra 15 chỉ tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển Chính quyền Số, Kinh tế Số và Xã hội Số.
Ngày 26/10, Chuỗi sự kiện Chuyển đổi Số tỉnh An Giang năm 2023 đã khai mạc với hội thảo về Chuyển đổi Số có chủ đề “Tạo lập và khai thác Dữ liệu Số để tạo ra giá trị."
An Giang xác định tầm quan trọng, lợi ích to lớn của Chuyển đổi Số mang lại cho công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của các cấp chính quyền, sự phát triển của doanh nghiệp cũng như đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân.
Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chương trình Chuyển đổi Số, kế hoạch thực hiện Chuyển đổi Số giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chương trình Chuyển đổi Số tỉnh An Giang hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ Số, Kinh tế Số, Xã hội Số; doanh nghiệp phát triển dựa trên Hạ tầng Số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Công nghệ Số; người dân tham gia tích cực ứng dụng, khai thác Nền tảng Số.
Chương trình Chuyển đổi Số tỉnh An Giang đưa ra 15 chỉ tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển Chính quyền Số, Kinh tế Số và Xã hội Số, đồng thời đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện, cùng 53 chương trình, dự án.
Để thực hiện thành công chương trình Chuyển đổi Số, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chủ động phối hợp đẩy mạnh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai cổng dữ liệu mở phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Từ đó, An Giang hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu...
Khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, khẳng định Chuyển đổi Số là cơ hội để địa phương bứt phá, vươn lên; chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn và kinh tế số thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh Xã hội Số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống người dân. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực hoạt động của chính quyền các cấp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, trong Chuyển đổi Số hiện nhiều đơn vị còn lúng túng, chưa nhận thức đủ, đúng tầm quan trọng của dữ liệu số. Việc đồng bộ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để hình thành danh mục dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành còn hạn chế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp có kinh nghiệm về giải pháp công nghệ và Chuyển đổi Số chia sẻ giải pháp triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; giải pháp tạo lập và khai thác dữ liệu số tạo ra giá trị mới, phục vụ Chuyển đổi Số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam như VNPT, Viettel… chia sẻ giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi Số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo động lực thúc đẩy kinh tế số; vai trò của định danh điện tử và dữ liệu dân cư trong quá trình Chuyển đổi Số, xây dựng Chính quyền Số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong cải cách hành chính…
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng, Chuyển đổi Số trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục...thúc đẩy phát triển Xã hội Số.
Hội thảo là dịp để các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong Chuyển đổi Số cũng như hiểu hơn giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển Dữ liệu số, đưa ra chiến lược phát triển Dữ liệu Số của tỉnh thời gian tới./.