Tỉnh phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đưa An Giang trở thành một trong những địa phương có môi trường kinh doanh bền vững trong khu vực ĐBSCL. Theo đó, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Chỉ số PCI), đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2023 và các năm tiếp theo.
Quyết tâm hành động
Những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh giảm sút. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đang tồn tại nhiều dấu hiệu bất ổn, khi Chỉ số PCI năm 2022 giảm sâu so năm 2021 (giảm 37 bậc, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố), mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách để bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều đó có thể tác động lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) chung của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, trước thực tế trên, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), từ nay đến những năm tiếp theo, chính quyền tỉnh An Giang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh một cách bền vững; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh. Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển DN, đảm bảo sự phát triển KTXH bền vững của tỉnh,
Tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án
Theo đó, các sở, ban, ngành và địa phương phải đặt DN, nhà đầu tư, người dân là trung tâm cải cách, lấy sự hài lòng là giá trị cốt lõi để phục vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm khuyến khích sự tham gia đầu tư của DN, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.
“Phải xem cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này một cách quyết liệt, thực chất và có hiệu quả. Phải kiên định, nhất quán trong điều kiện bị tác động bởi nhiều phía, bên trong và bên ngoài. Việc gì thấy đúng, thấy trúng thì phải kiên định giải quyết nhanh chóng và thực hiện nghiêm túc”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.
Thực hiện 5 nguyên tắc và 5 sẵn sàng
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 5 nguyên tắc: “Trách nhiệm, hành động, minh bạch, chuẩn xác và tập trung”.
“Đáng chú ý, thực hiện nguyên tắc về hành động thì phải kiên trì; phải quyết liệt, sáng tạo; nêu cao tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại cấp trên; giải quyết công việc phải nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm. Cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của địa phương, kết hợp nắm bắt nhu cầu, khả năng đầu tư của từng nhà đầu tư cụ thể, để tiến hành xây dựng các hoạt động mời gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm và hiệu quả” - đồng chí Lê Văn Phước lưu ý.
Cùng với đó, tỉnh chuẩn bị tốt “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư, gồm: Sẵn sàng về mặt bằng, quỹ đất sạch; sẵn sàng cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, khu nhà ở công nhân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điện, nước…); sẵn sàng nguồn lực hàng năm (từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề cao); sẵn sàng giải quyết nhanh chóng TTHC cho DN, lấy sự hài lòng của DN làm giá trị cốt lõi; sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát vị trí dự án đến khi dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và DN.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, DDCI; coi trọng sự hài lòng của người dân trong công tác cải cách TTHC; tạo điều kiện để người dân, DN được tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ DN.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, để cải thiện Chỉ số PCI gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN, đơn vị chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư, hỗ trợ DN” đến năm 2025 để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị, đồng thời đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, chủ động, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh.