Tổ chức tài chính vi mô thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng, các tổ chức tài chính vi mô lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
Tại Tọa đàm "Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện – thực trạng và giải pháp" được tổ chức ngày 17/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thực tiễn tại nhiều quốc gia đã minh chứng đóng góp của tài chính vi mô cho xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tại Việt Nam, đến nay có 4 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô đã được NHNN cấp giấy phép đăng ký. Số lượng khách hàng của 4 tổ chức tài chính vi mô đạt 500.000 khách hàng; tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của 4 tổ chức này đạt lần lượt là 10.380 tỷ đồng, 1.060 tỷ đồng và 2.444 tỷ đồng.
Tổ chức Tài chính vi mô CEP trao vốn cho khách hàng.
Mặc dù vậy, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quy mô hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô còn khá nhỏ so với tiềm năng phát triển và đang gặp nhiều khó khăn, như việc tăng trưởng nguồn vốn còn hạn chế do chưa khuyến khích được mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động tài chính vi mô. Ngoài ra, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình hoạt động; năng lực quản trị điều hành, chất lượng đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế; mạng lưới hoạt động hẹp, cơ sở hạ tầng, công nghệ còn chậm chuyển đổi…
Theo các chuyên gia, để tài chính vi mô phát huy vai trò là một trụ cột thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.
Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển như: Nới lỏng đối tượng khách hàng, phạm vi cung ứng dịch vụ, điều kiện vốn, đơn giản hóa thủ tục, tạo dựng thị trường bán buôn vốn, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng thời, cần thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính vi mô với các tổ chức tín dụng truyền thống, công ty Fintech, công ty công nghệ và các bên liên quan khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính. Nghiên cứu thành lập Hiệp hội Tài chính vi mô nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật, công nghệ liên quan đến việc cung cấp dịch vụ để nâng cao năng lực của các hội viên...
Bà Lê Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn M7 (M7-MFI) nêu: Trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 và mới nhất là 2024 có quy định "Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ", do đó các văn bản quy định dưới luật cần cụ thể hóa phù hợp Luật, không nên quy định thành cá nhân hộ nghèo, cận nghèo.
Đối với các tổ chức tài chính vi mô, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kiến nghị cần mở rộng phạm vi hoạt động để tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho các cá nhân, hộ dân có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, chỉ có 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức, các tổ chức tài chính vi mô này chủ yếu hoạt động ở miền Bắc và miền Nam.
Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm vi mô nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các khách hàng là các đối tượng yếu thế, không tiếp cận hoặc khó tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm đảm bảo mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính vi mô chính thức có thể nghiên cứu để triển khai dịch vụ tài chính qua điện thoại di động, hợp tác với các tổ chức tín dụng và công ty Fintech để gia tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân.
Thanh Hoa-Link gốc