Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP.HCM đạt 177.087 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2024 tại TP.HCM tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin của ngành công thương TP.HCM quý 2/2024, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức ngày 03/5/2024, đại diện Sở này cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2024 tại TP.HCM đạt 366.947 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 177.087 tỷ đồng. Những nhóm hàng có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ như lương thực, thực phẩm tăng 8,6%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 20,5%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 29,9%; hàng may mặc tăng 3,4%…
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 177.087 tỷ đồng - Ảnh: PA.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết nhằm tiếp tục kích cầu tiêu dùng và duy trì đà tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, Sở sẽ triển khai đa dạng chương trình xúc tiến thương mại, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý 2/2024 và năm 2024.
Theo đó, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tập trung thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành; Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ năm 2024 (Gift Show 2024); Đề án Sàn giao dịch hàng hóa (thí điểm đối với mặt hàng thịt lợn); Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2024 – 2025; Tổ chức Diễn đàn, Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, tháng 4/2024, kinh tế thành phố vẫn duy trì mức phục hồi so với quý 1/2024, nhưng chưa có cú hích đủ mạnh để tạo ra bước đột phá tăng trưởng cho cả quý 2/2024.
Ông Hoàng phân tích, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kể từ sau dịch đến nay thì chỉ tăng hơn 2% mỗi năm, trong khi cả nước bình quân tăng tới 6%.
Đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Hoàng cho biết mặc dù doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, nhưng chi phí đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận co lại, chưa tạo ra động lực cho doanh nghiệp sản xuất.
“Doanh nghiệp vẫn chấp nhận co lại thu nhập để duy trì việc làm. Trong bối cảnh nguồn cầu nước ngoài chưa tăng mạnh thì kích cầu trong nước là nhân tố sống còn trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Trên cả nước, theo số liệu của tổng cục thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.062,3 ngàn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.594,5 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có mức tăng trưởng hai con số như nhóm lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8% so với cùng kỳ.
Những địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội…
Khoảng thời gian này, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 237,3 ngàn tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu của một số địa phương có mức tăng cao như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM…
Mộc Minh
Link gốc